Khác với việc bảo hộ nhãn hiệu để tránh vi phạm sở hữu trí tuệ, theo bà Nguyễn Thanh Bình, Chủ nhiệm bộ môn Marketing trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, việc bảo vệ thương hiệu phải xuất phát từ chính doanh nghiệp, đó là lợi thế cạnh tranh và chỉ có doanh nghiệp mới tự làm được.
Tại Hội thảo "Xây dựng và bảo vệ giá trị thương hiệu" do Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức, sáng 3/12, bà Nguyễn Thanh Bình cho biết thêm, giá trị thương hiệu là một lời hứa và cam kết của doanh nghiệp với khách hàng nhằm tạo ra sự liên tưởng của khách hàng về giá trị cốt lõi của sản phẩm mà doanh nghiệp hướng tới.
Do vậy, bản thân doanh nghiệp phải thực hiện điều đó và công cụ để bảo vệ thương hiệu mạnh nhất chính là chống suy giảm từ bên trong của doanh nghiệp.
"Đây là cam kết của doanh nghiệp và văn hóa của doanh nghiệp để thực hiện lời hứa trước khách hàng," bà Nguyễn Thanh Bình nhấn mạnh.
Làm rõ thêm, bà Bình cho hay, trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam 2005 không có điều khoản nào liên quan đến việc bảo hộ thương hiệu mà chỉ có quy định về bảo hộ nhãn hiệu, tên gọi xuất xứ, chỉ dẫn địa lý... Xuất phát từ quy định đó, cần phải có cách hiểu đúng về việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu chứ không phải thương hiệu.
"Thương hiệu là sự liên tưởng của khách hàng và cảm nhận của họ về nhãn hiệu mà chúng ta muốn xây dựng. Trong chiến lược kinh doanh của mình, doanh nghiệp phải xây dựng trước và làm tốt điều này trước," bà Bình nói thêm.
Có thể thấy, hiện nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa hiểu rõ khái niệm thương hiệu và nhãn hiệu, chính điều này khiến họ chưa tận dụng được cơ hội để tạo ra sức cạnh tranh trên thị trường.
Theo ông Đỗ Kim Lang, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại, xây dựng thương hiệu là cả một quá trình và là giá trị cốt lõi của doanh nghiệp, là công cụ để doanh nghiệp tiếp thị bán hàng, đặc biệt tầm vĩ mô là liên quan đến giá trị gia tăng khi xuất khẩu.
Từ bài toán về kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam rất nhiều nhưng giá trị gia tăng lại rất ít, theo lãnh đạo Cục Xúc tiến Thương mại, doanh nghiệp cần coi việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu là giá trị tài sản lớn nhất nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm.
"Quá trình mua bán, sáp nhập thời gian qua cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài khi vào Việt Nam đều quan tâm đến những thương hiệu lớn, bởi đây là cách tiếp cận khách hàng và thị trường nhanh nhất," ông Lang nói.
Ông Lang cho biết, để có chính sách sách chung, trong chương trình thương hiệu quốc gia, Cục Xúc tiến Thương mại đã đưa vào nhiều nội dung nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra sản phẩm có vị thế tốt hơn, qua đó tạo ra giá trị gia tăng nhiều hơn./.