Chỉ người tiêu dùng Việt khẳng định được thương hiệu Việt

Việc thay đổi nhận thức của cả doanh nghiệp lẫn người tiêu dùng hướng đến những sản phẩm tốt là chìa khóa giúp thương hiệu Việt đứng vững trên sân nhà.
Chỉ người tiêu dùng Việt khẳng định được thương hiệu Việt ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Sau 5 năm thực hiện, cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được các cấp chính quyền trên địa bàn thành phố Hà Nội chỉ đạo sâu sát, kết hợp với những hoạt động tuyên truyền sâu rộng bằng nhiều lĩnh vực để phổ biến rộng rãi đến người dân.

Các doanh nghiệp, các làng nghề truyền thống cũng nỗ lực không ngừng để đẩy mạnh thương hiệu Việt, mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng trong nước.

Tuy nhiên, sự đồng lòng, chung tay ấy vẫn cần có những bước đi bứt phá, quyết liệt hơn nữa để thương hiệu Việt khẳng định được chỗ đứng bền vững trên thị trường trong nước cũng như địa bàn thành phố Hà Nội.

Doanh nghiệp nâng chất lượng, người dùng nâng nhận thức

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc thành phố Hà Nội cho rằng, các cấp chính quyền Sở ban, ngành cũng như tại quận, huyện cần phải chú ý nhiều hơn nữa đến việc tuyên truyền một cách rộng rãi hơn đến người tiêu dùng.

Khi doanh nghiệp và những người dân tại các làng nghề có cơ hội đem sản phẩm có ghi rõ nguồn gốc ra quảng bá rộng ra thị trường thì sản phẩm Việt mới có thể có chỗ đứng.

Người dân biết sản phẩm nội tốt. ưa chuộng, dùng nhiều là hình thức quảng bá, phát triển tốt nhất để sản phẩm tiến ra các thị trường xa hơn. 

Thời gian qua, Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với một số đơn vị khác trên địa bàn đã thực hiện nhiều chương trình trong chiến dịch quảng bá thương hiệu và có nhiều hiệu quả tích cực. Nổi bật là chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam được người tiêu dùng Thủ đô yêu thích;” các hội nghị đối thoại với doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho; chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường trong và ngoài nước, tổ chức chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm hàng Việt cho 50 doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng thiết yếu phục vụ nhân dân; tuyên truyền cho các chuỗi siêu thị lớn trên địa bàn thành phố.

Hỗ trợ công tác xây dựng thương hiệu; hỗ trợ vay vốn; thực hiện các chính sách tài khóa; ưu đãi về thuế; Chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất để giúp người dân khu vực nông thôn, miền núi, người lao động tại các khu công nghiệp, khu chế xuất mua sắm hàng hóa đảm bảo chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng và nâng cao ý thức trong việc lựa chọn các sản phẩm nội địa...

Bên cạnh đó, sắp tới Sở cũng phối hợp cùng các doanh nghiệp tổ chức các phiên chợ Việt ở các huyện ngoại thành, khu công nghiệp, khu chế xuất… để quảng bá sản phẩm Việt đến tay người tiêu dùng.

Tuy nhiên, những hoạt động trên vẫn còn nặng về bề nổi nên vẫn có những "rào cản" vô hình nhưng lại khiến chặng đường sản phẩm Việt đến tay người dùng nội địa không được thuận lợi. 

Đơn cử như ở  huyện Thường Tín, có tới hơn 40 làng nghề trong đó hơn 50% được công nhận là làng nghề truyền thống nhưng nhiều sản phẩm của các làng nghề vẫn chưa được biết đến.

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Thường Tín nhận xét, tại đây hầu hết là các hộ gia đình kinh doanh nên họ chưa chú ý đến việc đầu tư phát triển thương hiệu riêng. Phần lớn họ đều chọn những cái tên khi đọc gần giống với tên nước ngoài để có thể dễ dàng tiêu thụ. 

Phân tích thêm về những "rào cản" này, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn Hà Nội Đào Duy Tâm cho biết: Ngoài tâm lý người tiêu dùng vẫn ưa chuộng những mặt hàng có tem mác nước ngoài, thì kinh phí cho quảng bá vẫn còn hạn hẹp nên những hội chợ trưng bày và giới thiệu thiết bị vật tư, sản phẩm nông nghiệp vẫn chưa được tổ chức một cách thường xuyên.

Do đó, nhiều sản phẩm chất lượng cao, hàng sạch...được sản xuất và phân bố ra thị trường với giá cả hợp lý như thịt bò sạch 3b (BBB) vẫn chưa được nhiều người biết đến. Các địa điểm bán rau, củ, quả Hà Nội vẫn còn chưa phổ biến rộng đến người tiêu dùng… 

Tại huyện Gia Lâm, đại diện Hội Nông dân kiến nghị, đối với nông sản cần trích % ngân sách nhà nước, tạo thêm động lực mới giúp nông dân sản xuất nhiều nông sản chất lượng cao bằng việc hỗ trợ giống, vốn, vật tư ưu đãi, phát huy ưu thế nông sản, đặc sản truyền thống của phong trào “mỗi làng một nghề, một sản phẩm hàng hóa điển hình” của Hội Nông dân Gia Lâm đồng thời, sớm bổ sung cụ thể chính sách hỗ trợ nông dân cả về đường hướng và lực lượng tài chính trong việc xây dựng thương hiệu cho các sản phẩm, tăng sức mua của người tiêu dùng…

Quyết liệt tẩy chay hàng nhái, hàng giả

Trở lại câu chuyện về sản phẩm của làng nghề nói chung và làng nghề Trát Cầu (Thường Tín) nói riêng, không thể phủ nhận những quyết tâm khẳng định mình trên thương trường với lợi thế là hàng truyền thống. Nhưng thực tế cho thấy, các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều khó khăn.

 Đó là sự cạnh tranh với những sản phẩm từ nước ngoài, cộng thêm với yếu tố “sính ngoại,” ưa chuộng hàng có nhãn hiệu ngoại, chưa tin dùng hàng Việt của một bộ phận người dân, nên các sản phẩm truyền thống đều khó tiêu thụ. Những sản phẩm có xuất xứ từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ, châu Âu... đều có chất lượng và mẫu mã đẹp, đa dạng và được đảm bảo nên càng làm người tiêu dùng ưu tiên sử dụng.

Bên cạnh đó, công tác kiểm tra và ngăn chặn hàng chất lượng kém vẫn còn chưa triệt để nên lợi dụng tâm lý đó, những mặt hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái có ghi xuất xử từ Hàn Quốc, Nhật Bản… cũng tràn lan vào thị trường. Người tiêu dùng đã nhận được thông điệp rất rõ ràng của cuộc vận động, nhưng thực tế từng lúc, từng nơi cuộc vận động vẫn chưa được nhận thức đúng.

Do vậy, trong báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư có kiến nghị: tăng cường kiểm tra, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng và các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, giúp doanh nghiệp bảo vệ hàng Việt. Cần có các chế tài xử lý nghiêm các doanh nghiệp lợi dụng việc tăng-giảm giá của hàng hóa để trục lợi nhằm bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng.

Đồng quan điểm đó, đại diện bộ phận bán hàng của Công ty cổ phần Intimex Việt Nam cũng cho rằng: Các doanh nghiệp xây dựng thương hiệu không chỉ bằng chất lượng sản phẩm, uy tín thương hiệu mà phải gắn với trách nhiệm cộng đồng.

 Song song với nỗ lực của các doanh nghiệp thì người tiêu dùng cũng cần biết từ chối dùng hàng nhái hàng giả, hàng kém chất lượng không rõ nguồn gốc và cần có phản ứng với hàng kém chất lượng của doanh nghiệp, có biện pháp tích cực để ngăn chặn không để hàng giả, hàng kém chất lượng đưa ra thị trường và phải kiên quyết xử lý những vụ vi phạm bản quyền, hàng giả và kém chất lượng.

Như vậy, để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn thành phố Hà Nội thiết thực và hiệu quả hơn nữa cần có sự vào cuộc quyết liệt, đồng lòng từ nhiều phía.

 Điều quan trọng là cần đưa cuộc vận động vào hoạt động thường xuyên liên tục, tạo lập một thói quen cần thiết tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và người tiêu dùng. Để làm được điều này, không phải chỉ trong ngày một ngày hai mà cần những bước đi chiến lược, cụ thể và lâu dài./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục