Bất bình đẳng về thu nhập tại Canada tăng mạnh

Theo OECD, thu nhập trung bình của 10% số người có thu nhập cao nhất Canada năm 2008 gấp 10 lần so với người có thu nhập thấp nhất.
Khoảng cách thu nhập giữa người giàu và người nghèo tại Canada đang tăng lên tới mức kỷ lục, trong bối cảnh có những thay đổi trong thị trường lao động và các chính sách cắt giảm thuế cho người giàu.

Phóng viên TTXVN tại Ottawa dẫn báo cáo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) công bố ngày 5/12 cho thấy sự bất bình đẳng thu nhập tại Canada cao hơn nhiều so với mức trung bình của 34 thành viên OECD, mặc dù chưa bằng tại Mỹ.

Theo các số liệu của OECD, thu nhập trung bình của 10% số người có thu nhập cao nhất Canada năm 2008 là 103.500 đôla Canada (CAD), gấp hơn 10 lần so với thu nhập của 10% số người có thu nhập thấp nhất (10.260 CAD), tăng so với tỷ lệ 8/1 hồi đầu những năm 1980.

Thu nhập của 1% số người giàu nhất Canada năm 2007 tăng lên 13,3% tổng thu nhập, so với mức 8,1% hồi năm 1980.

Hơn nữa, 0,1% số người giàu nhất Canada có mức thu nhập tăng hơn gấp đôi, từ 2% lên 5,3%, trong khi thuế thu nhập lại giảm từ 43% vào năm 1981, xuống còn 29% vào năm 2010.

Có hai yếu tố giải thích sự bất bình đẳng thu nhập ngày càng tăng tại Canada là sự chênh lệch ngày càng lớn giữa những người lương cao và lương thấp, và việc ít tái phân phối hơn thông qua thuế thu nhập.

Những thay đổi trong thị trường lao động là nguyên nhân chính khiến khoảng cách thu nhập ngày càng tăng. Những việc làm bán thời gian và hợp đồng tạm thời làm giảm mức thu nhập. Tiến bộ công nghệ đang làm lợi hơn cho những nhân công có tay nghề cao.

Trong lễ công bố báo cáo trên, Phó giám đốc phụ trách các vấn đề việc làm-lao động và xã hội của OECD, ông Stefano Scarpetto, nhấn mạnh rằng "bất bình đẳng thu nhập đã tăng lên cả trong thời kỳ suy thoái lẫn hưng thịnh, và bất chấp tỷ lệ thất nghiệp giảm."

Khoảng cách thu nhập ngày càng tăng có những hậu quả kinh tế lớn. Các nước có bất bình đẳng thu nhập cao thường có khuynh hướng có những giai đoạn tăng trưởng kinh tế ngắn và ít ổn định hơn, bởi vì nó tạo ra những thách thức kinh tế, chính trị và sắc tộc khi có nguy cơ bỏ lại ngày càng nhiều người trong một nền kinh tế thay đổi nhanh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục