Ngày 6/11, lãnh đạo các cộng đồng người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và người Cyprus gốc Hy Lạp đã tới Thụy Sĩ, chuẩn bị cho vòng đàm phán mới do Liên hợp quốc bảo trợ nhằm tái thống nhất hòn đảo nằm ở Địa Trung Hải vốn bị chia cắt từ năm 1974 đến nay.
Theo kế hoạch, Tổng thống Cộng hòa Cyprus Nicos Anastasiades, đại diện cho cộng đồng người Cyprus gốc Hy Lạp và đại diện người Cyprus gốc Thổ Nhĩ Kỳ Mustafa Akinci sẽ bắt đầu cuộc đàm phán kéo dài một tuần từ ngày 7/11, trong đó vấn đề đầu tiên được thảo luận là thống nhất tiêu chí cho những điều chỉnh về lãnh thổ.
Tổng thống Anastasiades khẳng định ông sẽ không đồng ý triệu tập cuộc họp nhiều bên nếu không đạt được một thỏa thuận về việc điều chỉnh lãnh thổ cũng như một bản đồ xác định chính xác những khu vực mỗi bên được phép kiểm soát.
Trước khi tham dự vòng đàm phán, đại diện của cả hai cộng đồng người Cyrus gốc Hy Lạp và gốc Thổ Nhĩ Kỳ đều cam kết sẽ nỗ lực hết sức giải quyết những bất đồng vốn tồn tại hàng chục năm qua để có thể tìm ra một thỏa thuận mang tính giải pháp trong năm 2016.
Tuy nhiên, hiện hai bên vẫn còn một số điểm bất đồng khi Tổng thống Anastasiades thông báo ông sẽ yêu cầu phần lãnh thổ lớn hơn cho cộng đồng người Cyrus gốc Hy Lạp.
Trước đó, trong bài phát biểu trên truyền hình ngày 4/11 nhằm thông báo với người dân về các vấn đề cần đàm phán, ông Anastasiades khẳng định diện tích trả lại, trong đó có khoảng 100.000 người dân mất nhà cửa, sẽ trở về nhà của họ dưới sự điều hành của chính quyền Cyprus gốc Hy Lạp.
Trong khi đó, về phần mình, ông Akinci cho rằng không cần tiến hành tái di chuyển cộng đồng người Cyrus gốc Thổ Nhĩ Kỳ và những người định cư đang sống trên phần đất đai của người Cyprus gốc Hy Lạp suốt 4 thập kỷ qua.
Một trong những vấn đề gai góc hiện nay nữa là đòi hỏi của những người Cyprus gốc Hy Lạp về việc Thổ Nhĩ Kỳ phải xóa bỏ quyền can thiệp vào đảo Cyprus theo Hiến pháp năm 1960.
Đảo Cyprus bị chia cắt sau cuộc đảo chính của những người Cyprus gốc Hy Lạp vào năm 1974 dẫn đến việc Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân chiếm nửa phía Bắc của hòn đảo này và hậu thuẫn thành lập "Cộng hòa miền Bắc đảo Cyprus."
Tuy nhiên, đến nay cộng đồng quốc tế chỉ công nhận Nhà nước Cộng hòa Cyprus do người gốc Hy Lạp quản lý, nằm ở phần lãnh thổ phía Nam hòn đảo.
Năm 2004, Liên hợp quốc từng đưa ra kế hoạch hòa bình nhằm tái thống nhất đảo Cyprus, nhưng đã bị người Cyprus gốc Hy Lạp bác bỏ trong cuộc trưng cầu ý dân.
Năm ngoái, Liên hợp quốc tiếp tục thúc đẩy đàm phán giữa hai cộng đồng đối địch ở đảo Cyprus với hy vọng có thể "đạt được thỏa thuận toàn diện" sớm nhất có thể./.