Bất đồng giữa các chủ nợ đe dọa "đóng băng" khoản cứu trợ cho Hy Lạp

Ngày 7/2, Eurozone khẳng định kinh tế Hy Lạp đang đi đúng hướng bất chấp đánh giá thiếu tích cực của IMF cho rằng vấn đề nợ của Hy Lạp là "không bền vững" và "sẽ bùng nổ trong dài hạn."
Bất đồng giữa các chủ nợ đe dọa "đóng băng" khoản cứu trợ cho Hy Lạp ảnh 1Giám đốc IMF Christine Lagarde (trái) và Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu ở Brussels, Bỉ ngày 12/7/2015. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Những đánh giá trái ngược của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về tình hình kinh tế Hy Lạp đang phản ánh sự chia rẽ sâu sắc giữa hai bên và có thể ảnh hưởng tới kế hoạch giải ngân các khoản cứu trợ cho quốc gia này.

Ngày 7/2, Eurozone khẳng định kinh tế Hy Lạp đang đi đúng hướng bất chấp đánh giá thiếu tích cực của IMF cho rằng vấn đề nợ của Hy Lạp là "không bền vững" và "sẽ bùng nổ trong dài hạn."

Việc Eurozone và IMF đưa ra những đánh giá trái ngược nói trên có liên quan đến kế hoạch giải ngân khoản tiền tiếp theo trong gói cứu trợ thứ 3 cho Hy Lạp trị giá 86 tỷ USD, đã được nhất trí từ năm 2015 và những mục tiêu kinh tế mà Athens cần phải đáp ứng để đổi lấy gói cứu trợ này.

Hiện IMF đưa ra điều kiện yêu cầu Eurozone cam kết giảm nợ thêm cho Hy Lạp trước khi giải ngân khoản cứu trợ mới.

IMF cho rằng ngay cả khi thực hiện đầy đủ các chương trình cải cách theo yêu cầu, Hy Lạp vẫn cần giảm nợ đáng kể để đạt được các mục tiêu tăng trưởng và ngân sách bền vững.

Tuy nhiên, điều kiện này đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ Đức và nhiều nước chủ nợ trong Eurozone.

Tại cuộc họp Nhóm các bộ trưởng tài chính Eurozone (Eurogroup) hồi cuối năm ngoái, các nước Eurozone đã quyết định ngừng giảm nợ cho Hy Lạp sau khi Athens công bố kế hoạch tăng tiền trợ cấp cho người về hưu.

Theo phóng viên TTXVN tại London, Chủ tịch Eurogroup, ông Jeroen Dijsselbloem bày tỏ bất ngờ trước những đánh giá của IMF.

Ông cho rằng Hy Lạp "trên thực tế đã làm tốt hơn những gì mô tả trong báo cáo." Cụ thể, tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ, các chính sách "thắt lưng buộc bụng" mở rộng đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách dù Hy Lạp cần tăng tốc cải cách kinh tế hơn nữa để thúc đẩy thị trường việc làm, tăng nguồn thu ngân sách từ thuế.

Theo ông, báo cáo của IMF công bố ngày 6/2 đã thể hiện quan điểm "lạc hậu, lỗi thời" về triển vọng kinh tế Hy Lạp và IMF cần "trung thực hơn" trong những đánh giá của mình.

Trong bối cảnh cả Pháp, Đức và Hà Lan đang chuẩn bị bước vào bầu cử, giới chính trị gia dường như khó có thể đạt được một thỏa thuận về vấn đề Hy Lạp.

Theo kế hoạch, tháng 7/2017, Hy Lạp sẽ phải thanh toán gần 7 tỷ euro tiền nợ cho các chủ nợ và chắc chắn, nước này sẽ không thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ của mình nếu không được "bơm" thêm tín dụng.

Hy Lạp hiện đang phải vật lộn với tình trạng khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất từ trước đến nay.

Để đổi lại những khoản viện trợ quan trọng từ các chủ nợ quốc tế, kể cả IMF và Uỷ ban châu Âu (EC), Athens cam kết sẽ tiến hành những cải cách mạnh mẽ nhằm thúc đẩy nền kinh tế.

Kể từ năm 2010 đến nay, nước này đã tiếp nhận 3 gói cứu trợ của quốc tế.

Nợ công của Hy Lạp hiện ở mức trên 300 tỷ euro, chiếm khoảng 180% GDP, và đây vẫn là tỷ lệ cao nhất trong Eurozone./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục