Bất động sản cho thuê tiếp tục gặp khó trong dịch COVID-19

Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định tại thị trường Hà Nội, tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại và mặt bằng có vị trí đắc địa bắt đầu gia tăng rõ.
Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Ngang treo biển cho thuê. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)
Nhiều cửa hàng trên phố Hàng Ngang treo biển cho thuê. (Ảnh: Ngọc Hà/TTXVN)

Các chuyên gia của Công ty Savills nhận định tại thị trường Hà Nội, tỷ lệ mặt bằng trống tại các trung tâm thương mại và mặt bằng có vị trí đắc địa bắt đầu gia tăng rõ, đặc biệt khó khăn là khu vực phố cổ.

Lần đầu tiên chủ nhà phố cổ phải tích cực đàm phán giá với khách thuê, ông Lê Tuấn Bình, Trưởng Bộ phận cho thuê thương mại, Savills Hà Nội dẫn chứng.

Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm gia tăng và thương mai điện tử được đẩy mạnh. Tuy nhiên, doanh số vẫn ở mức thấp do hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế cũng như thu nhập và sức mua bị tác động bởi đại dịch.

Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong giai đoạn COVID-19. Nguồn cầu bị ảnh hưởng lớn, các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh.

Áp lực về giá thuê đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, đặc biệt có sự điều chỉnh hợp lý hơn để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ. Đáng chú ý, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước COVID-19. Thậm chí, giá của các "vị trí vàng" giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng.

Ông Lê Tuấn Bình phân tích các chủ nhà sẽ phải nhìn nhận mặt bằng cho thuê của mình đúng theo mặt bằng chung của thị trường theo hai điểm. Thứ nhất là giá thuê, hầu hết các chủ nhà tại phố cổ chưa từng gặp trường hợp phải đi đàm phán giá thuê với khách thuê, họ sẽ là bên lựa chọn khách thuê trả giá cao nhất. Song, hiện các chủ nhà ở phố cổ đang tích cực đưa ra các phương án giá phù hợp hơn với thị trường.

Bên cạnh đó, chủ nhà cần có sự linh hoạt hơn về phương án cho thuê, có thể là về mặt bằng cho thuê. Trước đây, các chủ nhà cho thuê có rất ít phương án cho thuê mặt bằng, thế nhưng hiện nay đã linh hoạt hơn khi chia diện tích mặt bằng thành các diện tích nhỏ để khách thuê có thể lựa chọn.

Đồng thời, các điều kiện như thời hạn cho thuê, điều khoản điều chỉnh giá thuê đã linh hoạt hơn rất nhiều. Tuy bị giảm về doanh thu nhưng sẽ được phục hồi nhanh sau giai đoạn dịch, ông Bình bày tỏ.

[Thị trường bất động sản ra sao sau đợt COVID-19 thứ 2?]

Đổi chiến lược để giúp thị trường trung tâm thương mại và văn phòng “vượt bão” là một trong những giải pháp được tính đến.

Theo ông Bình, tuy trong thời gian qua các chủ trung tâm thương mại đã đưa ra các chính sách hỗ trợ lớn cho khách thuê, tuy nhiên lượng gian hàng trống vẫn tăng lên đáng kể.

Trên thực tế, chiến lược thuê, kinh doanh của các đơn vị bán lẻ cũng đã có sự thay đổi nhất định sau giai đoạn đại dịch. Nhiều đơn vị bán lẻ nhận thấy tiềm năng của lĩnh vực thương mại điện tử và bắt đầu chuyển dần hoạt động sang thương mại điện tử. Các trung tâm thương mại cần phải điều chỉnh về đối tượng khách thuê, điều kiện thuê, diện tích thuê … để thu hút được khách thuê phù hợp.

Mặt bằng siêu thị thường được ưu đãi về giá thuê hoặc có giá thuê thấp hơn so với các đơn vị bán lẻ khác do siêu thị cần sử dụng diện tích thuê lớn; đồng thời, giúp thu hút các đơn vị bán lẻ khác vào thuê cùng trung tâm thương mại. Thực tế, siêu thị là một tiện ích cần có của bất kỳ trung tâm thương mại hay dự án phức hợp nào. Trong đại dịch, nhu cầu của người dân về việc mua sắm các mặt hàng thiết yếu có trong siêu thị tăng, dẫn đến việc doanh thu của các siêu thị cũng tăng lên đáng kể.

Trong khi lĩnh vực bán lẻ bị ảnh hưởng sâu thì các thị trường cho thuê văn phòng vẫn giữ ở mức ổn định. Tỷ lệ lấp đầy của toàn thị trường văn phòng hiện là 95%, các mức giá thuê chỉ thay đổi từ 1-2% theo quý và theo năm.

Ông Bình cho biết, phân khúc hạng A, trong khu vực trung tâm, hiện mức giá thuê giữ mức cao trên 30 USD/tháng. Thị trường văn phòng hoặc văn phòng của các doanh nghiệp thường đã có chiến lược dài hạn, tính toán đến các rủi ro nhất định. Hơn nữa, doanh nghiệp thuê nhóm văn phòng hạng A thường là các công ty toàn cầu đã có quỹ rủi ro, khiến cho các yêu cầu hỗ trợ thuê đối với chủ nhà chỉ xảy ra trong thời gian ngắn.

Dự báo về tình hình thị trường những tháng cuối năm 2020, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu và tư vấn Savills Hà Nội cho rằng phân khúc bán lẻ, giá thuê mặt bằng tiếp tục nằm trong xu hướng giảm. Diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp nên có thể một số dự án mới phải hoãn thời gian mở cửa. Thị trường đang mở rộng về phía Đông và khu vực phía Tây của Hà Nội. Cơ hội thời gian tới vẫn dành nhiều cho thương mại điện tử.

Cùng đó, tăng trưởng mua sắm trực tuyến cùng với hành vi tiêu dùng thay đổi nhanh chóng cũng đòi hỏi các nhà bán lẻ theo hình thức truyền thống và chủ nhà cho thuê mặt bằng cần phải phát triển kế hoạch thu hút khách đến theo chiến lược sáng tạo hơn. Các khó khăn chỉ mang tính ngắn hạn và thị trường sẽ dần phục hồi trở lại sau đó, bà Hằng nhận định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục