Bất động sản Hà Nội: Hút khách khu đô thị ngoại ô

Quan sát thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội những tháng cuối năm, địa điểm được quan tâm và có nhiều dự án nhất, có sức hút lớn nhất vẫn là khu vực Hà Đông.

Thời điểm này, hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Nội vẫn đua nhau "bung hàng." Nhận định về thị trường bất động sản Hà Nội trong thời gian tới, mặc dù còn một số những bất cập về giá, quy hoạch, cộng với độ “chùng” sau “sóng,” nhưng các chuyên gia bất động sản vẫn cho rằng, bất động sản Hà Nội còn nhiều tiềm năng phát triển và vẫn là mảnh đất tốt cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Quan sát thị trường bất động sản trên địa bàn Hà Nội những tháng cuối năm, địa điểm được quan tâm và có nhiều dự án nhất, có sức hút lớn nhất vẫn là khu vực Hà Đông.

Thời điểm này, hàng loạt dự án trên địa bàn Hà Nội vẫn đua nhau "bung hàng." Nhận định về thị trường bất động sản Hà Nội trong thời gian tới, mặc dù còn một số những bất cập về giá, quy hoạch, cộng với độ “chùng” sau “sóng,” nhưng các chuyên gia bất động sản vẫn cho rằng, bất động sản Hà Nội còn nhiều tiềm năng phát triển và vẫn là mảnh đất tốt cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Điểm mặt các kênh đầu tư giai đoạn này, vàng và chứng khoán luôn có những biến động phức tạp, thì bất động sản vẫn là kênh có độ rủi ro thấp hơn, mặc dù, lợi nhuận không còn cao như trước.

Nhìn lại năm 2010, cả giới đầu tư lẫn những người dân có nhu cầu thật về nhà ở hay cả cơ quan quản lý nhà nước về nhà đất cũng không khỏi ngỡ ngàng trước những đợt “sóng” nối nhau nhất là tại một số khu vực cửa ngõ phía Tây thành phố.

Tháng 5/2010, cơn sốt đất tại khu vực này lên tới đỉnh điểm, thông tin về Trung tâm hành chính Quốc gia mai sau sẽ chuyển về khu Ba Vì khiến hàng trăm người đổ xô đi lùng mua đất để "lướt sóng." Và ngay lập tức, giá đất khu vực này bị đẩy lên đến mức khó tin với giá gấp nhiều lần trước đó.

Cơn sốt đất len lỏi vào tận từng gia đình, từng hộ nông dân bao đời nay vốn chỉ quen với ý nghĩ sử dụng diện tích đất cha ông để lại của mình để nuôi gà, thả vịt. Có mảnh đất chào bán chưa đầy 200 triệu đồng/sào (360m2) nhưng năm sáu năm nay chẳng ai hỏi, thế mà bây giờ đất sổ đỏ 1m2 giá 2,5-3 triệu, tính ra ngót 1 tỷ đồng/sào.

Và đúng như quy luật của thị trường, ngay khi bản quy hoạch vấp phải sự phản đối của các cơ quan chức năng, giấc mơ kiếm bạc tỷ từ đất Ba Vì của hàng trăm nhà đầu tư “lướt sóng” lập tức trở thành bong bóng xà phòng. Một số nhà đầu tư “chạy” theo “bão sốt đất” lâm vào tình trạng bán thì lỗ, không bán thì hết tiền trả nợ.

Đầu quý 3, hàng loạt những hạng mục, công trình cơ sở hạ tầng của thành phố được hoàn tất, đấu nối vào hệ thống đường giao thông để chào đón Đại lễ 1000 năm Thăng Long-Hà Nội cũng đã “sưởi ấm” lại thị trường bất động sản Thủ đô sau một thời gian dài rớt giá. Điển hình trong số đó, là trục đường Lê Văn Lương kéo dài với hàng loạt những dự án nhà ở chung cư được chào bán.

Chỉ riêng Tập đoàn Nam Cường, chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Dương Nội, Hà Đông đã 4 lần chào bán sản phầm chung cư chạy dọc theo trục đường huyết mạch phía Tây này với khoảng 900 căn hộ, mức giá lên đến 23-24 triệu đồng/m2 nhưng lần nào cũng hết hàng chỉ sau một buổi mở bán. Sự kiện này cũng chứng tỏ độ “nóng” của khu vực Hà Đông trên thị trường bất động sản Hà Nội thời điểm hiện tại.

Không chỉ Dương Nội, một số khu đô thị khác khu vực Hà Đông cũng vẫn thu hút được nhiều sự quan tâm của giới đầu tư. Các dự án Geleximco, Nam An Khánh, Bắc An Khánh, Kim Chung-Di Trạch, Văn Phú, Văn Khê..., vẫn được đăng ký mua, bán liên tục trên các sàn giao dịch bất động sản. Các "cò đất" cũng đăng công khai "giá gốc" và "giá giao dịch" để người mua lượng hầu bao.

Ngoài Hà Đông, ở phía Bắc thành phố, một số dự án Khu đô thị như Dự án Khu đô thị Phố Nối, Hưng Yên; Dự án Khu đô thị sinh thái Long Biên; Dự án Khu đô thị thương mại-du lịch Văn Giang (Ecopark)... cũng tạo được một số dấu ấn trên thị trường.

Anh Vũ Nam Anh, một nhân viên môi giới bất động sản lâu năm cho biết, sự sôi động của bất động sản ngoại thành hiện nay là tất yếu bởi chủ trương di dời các trụ sở làm việc, trường học, các dự án chung cư ra ngoài phạm vi nội đô để giảm tải mật độ dân cư và giao thông tại khu vực trung tâm. Bên cạnh đó, với yếu tố giá cả chênh lệch cao so với khu vực nội thành, rất hấp dẫn người mua.

Trên góc độ quản lý Nhà nước, một số chuyên gia cho rằng, sự ấm lại của thị trường bất động sản khu ngoại ô cũng có tác động tích cực, làm nguồn cung quan trọng về chỗ ở cho lao động tại các khu công nghiệp; đồng thời góp phần đẩy nhanh tiến trình đô thị hóa dân cư ngoại trung tâm Hà Nội, góp phần làm giảm mật độ dân số và tạo dựng dần những khu đô thị vệ tinh, hiện đại của thành phố./.

Minh Nghĩa (TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục