Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Dự báo 5 tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ

Theo các chuyên gia, việc đảng Cộng hòa nắm thế đa số mong manh tại cả hai viện sẽ giúp đảng này cản trở Tổng thống Mỹ Joe Biden và đảng Dân chủ thông qua các đạo luật trong thời gian tới.
Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Dự báo 5 tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ ảnh 1Cử tri bỏ phiếu bầu cử giữa kỳ Quốc hội Mỹ ở Kissimmee, Florida, ngày 8/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022 tại Mỹ đến thời điểm hiện tại đang mang lại cơ hội để đảng Cộng hòa có thể tạo ra một "làn sóng đỏ" trong Hạ viện và có khả năng là Thượng viện.

Giới quan sát vẫn đang dự đoán về khả năng Hạ viện sẽ do đảng Cộng hòa kiểm soát, dù có thể chỉ ở thế đa số hẹp, trong khi cuộc đua tại Thượng viện đang khá cân bằng.

Dù kết quả chưa ngã ngũ nhưng sự bế tắc trong kỳ họp quốc hội tiếp theo là gần như không thể tránh khỏi. Các tác động đối với nền kinh tế Mỹ có thể rất lớn.

Việc đảng Cộng hòa nắm thế đa số mong manh tại cả hai viện sẽ giúp đảng này cản trở Tổng thống Joe Biden và đảng Dân chủ thông qua các đạo luật trong thời gian tới.

Trường hợp đảng Cộng hòa tiếp quản Thượng viện cũng sẽ buộc Tổng thống Biden tìm kiếm sự ủng hộ của đảng Cộng hòa cho các ứng cử viên chính quyền tiếp theo của ông.

Các chuyên gia kinh tế chính trị tại Mỹ đã liệt kê ra 5 cách thức mà cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 có thể ảnh hưởng đến nền kinh tế đầu tàu thế giới.

Trước tiên, đó là chi tiêu liên bang sẽ ít hơn. Đảng Cộng hòa tập trung chủ yếu vào các quan ngại về lạm phát cao và khả năng Mỹ rơi vào suy thoái vào năm tới.

Các nghị sỹ đảng này cam kết sẽ kiềm chế chi tiêu liên bang, điều mà họ cho là nguyên nhân gây ra lạm phát cao, nếu có cơ hội kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện. Thế đa số hẹp tại một trong hai viện sẽ giúp đảng Cộng hòa có quyền ngăn chặn bất kỳ hóa đơn chi tiêu nào được cho là "quá hào phóng" và buộc đảng Dân chủ phải cắt giảm để giành được sự ủng hộ của họ.

Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo đảng Cộng hòa cũng có thể gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các dự luật chi tiêu nếu các nghị sỹ theo quan điểm bảo thủ phản đối các thỏa thuận lưỡng đảng cuối cùng.

Chuyên gia Brian Gardner, Giám đốc chiến lược chính sách của Washington tại ngân hàng đầu tư Stifel, nhận định rằng: "Với sự phân chia sắp tới, việc thông qua các dự luật chi tiêu của chính phủ và tăng trần nợ sẽ còn khó khăn hơn so với dự kiến trước đây."

Thứ hai, đó là nguy cơ vỡ nợ trần cao hơn. Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa và thậm chí cả bản thân cựu Tổng thống Donald Trump đã kêu gọi các nhà lãnh đạo đảng này sử dụng mức trần nợ liên bang làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán chi tiêu liên bang.

Mặc dù các nhà lãnh đạo Cộng hòa đã tuyên bố đảm bảo Mỹ không vỡ nợ, nhưng họ có thể gặp khó khăn trong việc thuyết phục những người theo phe bảo thủ cứng rắn thực hiện một thỏa thuận bất chấp những tác động nghiêm trọng của việc vi phạm trần nợ.

Mỹ đã phải hứng chịu những đợt hạ cấp tín dụng và thị trường tài chính bất ổn sau những đợt suy thoái vào năm 2011 và 2013. Nước này cũng đang phải đối mặt với những rủi ro thậm chí còn cao hơn của một cuộc khủng hoảng tài chính.

Chuyên gia Jason Furman, cựu Chủ tịch Hội đồng Cố vấn kinh tế của Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, nhận định: "Khả năng xảy ra điều gì đó tồi tệ hơn so với năm 2011 cao hơn bao giờ hết và hậu quả sẽ còn tồi tệ hơn trước."

Thứ ba, chính sách kích thích kinh tế trong thời kỳ suy thoái sẽ ít có khả năng được triển khai. Đảng Cộng hòa sẽ có rất ít động lực để giúp củng cố nền kinh tế nếu Mỹ rơi vào suy thoái theo quan điểm của Tổng thống Biden, ngay cả khi họ nắm quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện.

[Cử tri Mỹ bắt đầu bỏ phiếu trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ]

Các nghị sỹ Cộng hòa sẽ gặp khó khăn trong việc thúc đẩy các chính sách hỗ trợ nền kinh tế sau khi đổ lỗi cho biện pháp kích thích do Nhà Trắng thực hiện vào tháng 3/2022.

Chuyên gia Brian Gardner cho rằng: “Nếu kinh tế Mỹ suy thoái vào năm 2023, một quốc hội bị chia rẽ sẽ đấu tranh để thông qua dự luật kích thích tài chính khiến Ngân hàng Dự trữ liên bang (FED) trở thành tổ chức chính chịu trách nhiệm thiết lập chính sách kinh tế trong nước."

Thứ tư, đó là gia tăng sức ép đối với Tổng thống Biden về các đề cử nhân sự. Mặc dù Hạ viện không đóng vai trò gì trong các đề cử của liên bang, nhưng Thượng viện trong trường hợp do đảng Cộng hòa kiểm soát sẽ buộc Tổng thống Biden phải đề cử các quan chức có thể giành đủ sự ủng hộ của lưỡng đảng để có thể được thông qua.

Bầu cử giữa nhiệm kỳ: Dự báo 5 tác động lớn tới nền kinh tế Mỹ ảnh 2Tòa nhà Quốc hội Mỹ ở Washington DC. (Ảnh: THX/TTXVN)

Thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa tại bang Kentucky Mitch McConnell - lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện - có khả năng buộc Tổng thống Biden phải tìm ra điểm chung với đảng Cộng hòa để thỏa hiệp ở các vị trí còn đang bỏ trống.

Các vị trí nhân sự tiềm năng tại Bộ Tài chính, Fed và các cơ quan quản lý tài chính khác có thể trở thành cuộc chiến căng thẳng giữa hai đảng ngay khi thế cân bằng được xác lập tại Thượng viện hiện nay, nơi Phó Tổng thống Kamala Harris nắm giữ lá phiếu quyết định. Những khó khăn này cũng sẽ khiến Tổng thống Biden không thể củng cố một số chương trình nghị sự kinh tế của mình.

Chuyên gia Ian Katz, Giám đốc tại công ty nghiên cứu Capital Alpha Partners, phân tích: “Nếu đảng Cộng hòa giành được Thượng viện, hoặc thậm chí nếu cán cân vẫn là 50-50, những người theo quan điểm cấp tiến sẽ không thể xác nhận người của họ."

Thứ năm, đó là sự giám sát chặt chẽ hơn của các cơ quan quản lý liên bang. Trong trường hợp đảng Cộng hòa giành được quyền kiểm soát Hạ viện hoặc Thượng viện, các cơ quan quản lý tài chính liên bang có thể mong đợi sự giám sát chặt chẽ từ các ủy ban do đảng Cộng hòa lãnh đạo và áp lực chính trị nhiều hơn đối với một số sáng kiến lưỡng đảng.

Các nghị sỹ đảng Cộng hòa đã phản đối quyết liệt các nỗ lực do những người được Tổng thống Biden bổ nhiệm thúc đẩy nhằm mở rộng sự chú ý đến các nguy cơ tài chính liên quan đến khí hậu và tăng cường nỗ lực giám sát vấn đề tiền kỹ thuật số./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục