Bầu cử ở Hà Lan: Đảng dân túy nổi lên sau vụ tấn công tại Utrecht

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh ngày 20/3 tại Hà Lan, một đảng dân túy mới nổi đã "gây sốc" trong chính giới nước này khi giành hầu hết phiếu bầu.
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương tại một điểm bầu cử ở Rotterdam, Hà Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử địa phương tại một điểm bầu cử ở Rotterdam, Hà Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo kết quả sơ bộ cuộc bầu cử hội đồng cấp tỉnh ngày 20/3 tại Hà Lan, một đảng dân túy mới nổi đã "gây sốc" trong chính giới nước này khi giành hầu hết phiếu bầu.

Kết quả này cho thấy sự trỗi dậy mạnh mẽ của phong trào dân túy cực hữu ở Hà Lan gần hai thập kỷ sau vụ ám sát chính khách theo chủ nghĩa dân túy Pim Fortuyn năm 2002 dẫn tới một kết quả bầu cử tương tự thời điểm đó.

Kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy đảng giành nhiều phiếu nhất là đảng Diễn đàn vì dân chủ (FvD) dưới sự lãnh đạo của vị chủ tịch 36 tuổi Thierry Baudet. Đảng này vốn chỉ có 2 ghế khi bước vào chính trường năm 2016.

Dựa trên tình hình hiện nay, FvD sẽ có số ghế tương đương với đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) của Thủ tướng Hà Lan tại Thượng viện.

[Vụ xả súng tại Utrecht tác động tới cuộc bầu cử địa phương ở Hà Lan]

Với kết quả sơ bộ nêu trên, liên minh trung hữu 4 đảng của Thủ tướng Rutte sẽ buộc phải tìm kiếm sự ủng hộ từ bên ngoài nếu muốn lịch trình lập pháp của chính phủ được thông qua tại Thượng viện.

Thủ tướng Rutte hy vọng sẽ tìm kiếm sự ủng hộ của đảng Green Left (Lá Xanh) hoặc đảng Lao động khi Thượng viện mới được thành lập vào tháng 5 tới.

Ông cho biết sẽ tìm kiếm các đảng "mang tính xây dựng" dù ở cánh tả hay cánh hữu. Trong khi đó, ông Baudet loại trừ khả năng liên minh với bất cứ đảng nào.

Lãnh đạo FvD Baudet có điểm chung với Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một số vấn đề. Ông phản đối nhập cư và nhất mạnh quan điểm "Hà Lan trước tiên" trong các vấn đề về văn hóa và kinh tế. Ông phản đối đồng tiền chung euro và cho rằng người Hà Lan nên rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Sau vụ tấn công vửa xảy ra ở Utrecht, trong khi các đảng ngừng vận động tranh cử, ông Baudet vẫn tiếp tục đứng lên hô hào cử tri bỏ phiếu cho FvD, cho rằng vụ tấn công này xuất phát từ chính sách nhập cư lỏng lẻo của chính phủ.

Các cuộc thăm dò vài tuần trước cuộc bầu cử đều dự báo rằng liên minh trung hữu của Thủ tướng Rutte sẽ mất đa số tại Thượng viện.

Giới chuyên gia cho rằng vụ tấn công ở Utrecht đã dẫn tới việc gia tăng số cử tri phản đối nhập cư đi bỏ phiếu, điều gây bất lợi cho liên minh của Thủ tướng Rutte.

Nền kinh tế Hà Lan là một trong những nền kinh tế "khỏe mạnh" nhất châu Âu dù người dân không hài lòng với các chương trình "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ được thực hiện đầu những năm 2010./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục