Bầu cử Pháp: Kết quả thăm dò chỉ có tính tham khảo

PGS Dương Văn Quảng cho rằng nên thận trọng khi xem xét các kết quả thăm dò bầu cử cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay ở Pháp.
Trước thềm diễn ra vòng hai cuộc tranh cử Tổng thống Pháp nhiệm kỳ 2012-2017, phóng viên TTXVN tại Pháp đã có cuộc phỏng vấn Phó Giáo sư Dương Văn Quảng, Đại sứ, Trưởng phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh Tổ chức văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) về khả năng giành chiến thắng trong "cuộc đua" vào điện Elysée, sẽ kết thúc vào ngày 6/5.

- Thưa phó giáo sư Dương Văn Quảng, theo tỷ lệ thăm dò mới đây nhất, giữa 2 ứng cử viên của cuộc bầu cử Tổng thống thống Pháp, là F. Hollande, ứng cử viên của cánh tả Đảng xã hội (PS) và Sarkozy, đương kim Tổng thống, ứng cử viên cánh hữu Liên minh vì Phong trào Nhân dân (UMP) cho thấy khoảng cách giữa 2 ứng cử viên có dấu hiệu gần lại. Ông Hollande đang bị mất đi 1% số phiếu và Sarkozy tăng lên 1% thì đại sứ nghĩ gì về vấn đề này?

Phó giáo sư Dương Văn Quảng:
Trước hết thăm dò dư luận là thăm dò dư luận chứ không phải là kết quả bầu cử hay là thăm dò kết quả bầu cử. Đây chỉ là đánh giá khả năng bỏ phiếu của người Pháp. Điều thứ 2, là có nhiều thăm dò dư luận không phản ánh đúng thực tế, nên theo ý kiến của tôi, cần phải rất thận trọng trước các kết thăm dò dư luận được công bố. Nhưng điều chúng ta có thể khẳng định đó là việc Hollande vẫn có nhiều lợi thế hơn so với Tổng thống đương nhiệm là ông Sarkozy, có thể căn cứ vào kết quả bầu cử vòng 1 và so sánh lực lượng giữa 2 ứng cử viên. Nhưng theo tôi vẫn nên thận trọng khi xem xét các kết quả thăm dò bầu cử của các hãng thăm dò dư luận tại cuộc bầu cử Tổng thống hiện nay ở Pháp.

- Thưa phó giáo sư, xin ông cho biết những lợi thế và những bất lợi của hai ứng cử viên Hollande và Sarkozy trong cuộc bẩu cử vòng hai là gì?

Phó giáo sư Dương Văn Quảng: Đối với ông Holland, lợi thế thứ nhất là tỷ lệ phiếu bầu tại vòng bầu cử đầu của ông cao hơn đối thủ cạnh tranh của ông là Tổng thống đương nhiệm Sarkozy.

Đây có thể nói là lần đầu tiên kể từ khi nước Pháp bầu cử Tổng thống theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, Tổng thống đương nhiệm lại về thứ hai. Lợi thế thứ 2, là trong 5 năm vừa qua ông Hollande không lãnh đạo nước Pháp, mà trong thời gian này tình hình nước Pháp xấu đi chứ không tốt lên, xét về tất cả các mặt : kinh tế, xã hội, an ninh, … nên ông Hollande không phải là chịu trách nhiệm trước tình hình xấu đi của nước Pháp.

Nhưng đây cũng lại chính là điều bất lợi (chưa bao giờ làm Tổng thống) của ông Hollande trước đối thủ Sarkozy và trở thành lợi thế của Sarkozy. Ngoài ra Sarkozy có 2 bất lợi khác so với Hollande: đó là thứ nhất, Sarkozy về thứ hai tại vòng bầu cử thứ nhất và thứ 2, là tổng kết lại 5 năm nhiệm kì Tổng thống của ông, Sarkozy hầu như không đạt được những điều mà ông mong muốn và những lời hứa trong cuộc tranh cử cách đây 5 năm gần như không thực hiện được.

Thứ 3, lợi thể của ông Hollande, là cái bất lợi của ông Sarkozy đó là với kết quả vòng đầu, nếu cộng hết các phần trăm số phiều, cánh tả thu được khoảng 44%, nghĩa đây là tỷ lệ mà Holland có thể huy động được. Còn đối với Sarkozy, nguồn phiếu để ông có thể huy động trong vòng 2 cho đến bây giờ rất khó khăn so với Hollande. Thứ 4, nhân dân Pháp hiện nay luôn mong muốn có một sự thay đổi. Vì vậy tổng thống đương nhiệm rất khó để thuyết phục người Pháp bỏ phiếu cho bản thân. Nhưng ngược lại, Hollande lại là người đại diện cho 1 trào lưu mới, đúng hơn là chính sách mới. Do vậy, theo tôi 4 cái bất lợi với Sarkozy sẽ là 4 điều kiện thuận lợi đối với Hollande.

- Thưa đại sứ, theo nhận định chung của giới quan sát, chiến lược tranh cử của 2 ứng cử viên giữa vòng 1 và vòng 2 hầu như không có gì thay đổi,nhưng chiến thuật thì cũng có một chút thay đổi, Đại sứ nghĩ như thế nào về vấn đề này?

Phó giáo sư Dương Văn Quảng: Theo tôi hiểu thì kể từ năm 1965 từ khi có bầu cử tổng thống Pháp theo hình thức bỏ phiếu trực tiếp, đây là lần đầu tiên có một cuộc tranh cử khác hẳn với các cuộc tranh cử lần trước. Khác ở chỗ, Tổng thống đương nhiệm rơi vào thế bất lợi mà ông ta lại muốn được tái đắc cử, trong khi ông không có đồng minh. Vì thế ông phải tìm mọi cách để giành thắng lợi trong vòng 2 này. Về cách vận động tranh cử cũng hoàn toàn khác các lần trước. Điều đó làm cho những người đánh giá cũng như các hãng thăm dò dư luận rất khó đánh giá kết cục của bầu cử vòng hai tới đây. Cho đến bây giờ, nhiều người cho rằng ông Holland ở thế thắng.

Tại cuộc đối thoại trực tiếp diễn ra tối ngày 2/5 trong vòng 3 giờ giữa 2 ứng cử viên Hollande và Sarkozy trên truyền hình Pháp France 2 và TF1, giới quan sát cho rằng ông Sarkozy là người có khẩu khí hơn Holland, nhưng luôn bị ông Hollande là người điềm đạm hơn "tấn công" liên tục. Tất cả những điều đó có thể tác động đến kết quả bầu cử vào chủ nhật tuần tới. Nếu ông Sarkozy muốn trúng cử thì bắt buộc phải có 80% số cử tri dã bỏ phiếu cho bà Marine Le Pen ở vòng 1 sẽ bỏ phiếu cho Sarkozy lần này. Để chắc chắn hơn, ông Sarkozy phải lôi kéo được những cử tri của phái trung dung bầu cho ông với khoảng 60-80%. Đây là điều không thể thành công !

Còn đối với ứng cử viên Hollande, theo các nhà phân tích thì ông không phải là người mạnh mẽ cũng như quyết đoán. Trong khi đó nước Pháp cần 1 ông Tổng thống mạnh mẽ, quyết đoán và để tạo ra những chuyển biến mạnh mẽ ở đây. Có người nói đó là bất lợi nhưng cũng có người nói đó là phong cách lãnh đạo của ông Hollande, nên cách tranh cử, vận động tranh cử của ông Holland hoàn toàn đối lập với Sarkozy. Do đó, theo tôi chúng ta vẫn phải trông chờ vào kết quả bầu cử tối chủ nhật 6/5 và phải rất thận trọng trong quá trình đánh giá ai là người trúng cử cũng như khi tiên đoán tỷ lệ phiếu bầu giữa người trúng cử và thất cử.

- Cám ơn Đại sứ!/.

Lê Hà-Nguyễn Tuyên/Paris (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục