Bế mạc Hội nghị Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ khu vực châu Á-Thái Bình Dương

Các đại biểu cùng nhận diện những thách thức, cơ hội, thể hiện mối quan tâm đến việc trang bị và bảo vệ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương; chia sẻ các thách thức, kinh nghiệm thực tế trong công việc.

Lễ bế mạc Hội nghị Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Lễ bế mạc Hội nghị Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ khu vực Châu Á-Thái Bình Dương lần thứ 11. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Chiều 23/11, tại Hà Nội, Hội nghị Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ khu vực châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 11 (AP-11) đã bế mạc sau 3 ngày làm việc, với nhiều phiên thảo luận sôi nổi.

Phát biểu bế mạc hội nghị, bà Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam cho biết: Chủ đề của hội nghị lần này là “Châu Á-Thái Bình Dương sẵn sàng trước thảm họa,” đã được định hướng ở phiên khai mạc, dẫn dắt ở phiên toàn thể và được thảo luận sôi nổi ở 5 hội thảo chuyên đề với rất nhiều ý kiến được trao đổi từ sẵn sàng ứng phó với thảm họa, sẵn sàng trở thành Hội quốc gia bền vững, sẵn sàng trở thành các tổ chức đáng tin cậy và sẵn sàng để phối hợp tốt - hỗ trợ lẫn nhau giữa các hội quốc gia.

Các đại biểu đã cùng nhận diện những thách thức, cơ hội, thể hiện mối quan tâm đến việc trang bị và bảo vệ cho nhóm dân cư dễ bị tổn thương; chia sẻ các thách thức, kinh nghiệm thực tế trong công việc để tìm ra cách tiếp cận và những giải pháp mới phù hợp hơn.

Các cuộc thảo luận đã mở ra tư duy mới, chia sẻ những hiểu biết sâu sắc, những khuyến nghị mang tính xây dựng cao.

Tất cả bài trình bày của các diễn giả đến từ các Hội quốc gia, chuyên gia các lĩnh vực, những người tình nguyện… mang đến những hiểu biết, kiến thức chuyên môn phong phú, những kinh nghiệm quý báu nhất, truyền đi thông điệp tích cực, định hướng những hành động trong tương lai. Đặc biệt, nhiều ý tưởng, sáng kiến đã mở ra hy vọng cho sự kết nối, hợp tác nhân đạo trong khu vực.

Chủ tịch Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam hy vọng, khi sau hội nghị này, các đại biểu sẽ mang theo tinh thần hợp tác, cam kết hành động nhân đạo và quyết tâm tạo ra những thay đổi hiệu quả cho Hội quốc gia và phong trào nhân đạo khu vực cũng như toàn cầu.

Những thách thức mà các quốc gia phải đối mặt không hề nhỏ, nhưng cùng nhau hành động sẽ có thêm sức mạnh để tạo ra thay đổi tích cực, góp phần xây dựng khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa nhập và kiên cường hơn.

Theo bà Bùi Thị Hòa, hội nghị kết thúc nhưng công việc vẫn tiếp nối, thậm chí nhiều ý tưởng mới bắt đầu. Nhiệm vụ của mỗi đại biểu là sử dụng kiến thức và kinh nghiệm thu được với tư duy mới mẻ, sáng tạo, các quan hệ đối tác từ hội nghị này, để cùng có trách nhiệm đưa Kế hoạch Hành động Hà Nội - 2023 trở thành những hành động hữu ích, mang lại lợi ích cho những người dễ bị tổn thương ở từng quốc gia và khu vực.

Mỗi Hội quốc gia tiếp tục bảo vệ, hỗ trợ, trao kỹ năng để những người cần giúp đỡ ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn; đồng thời, tăng cường quan hệ đối tác, xây dựng năng lực để tự tin, tự cường gánh vác sứ mệnh nhân đạo trong thời đại số hóa và xanh hóa.

Bà Maha Barjas Hamoud Al Barjas, Phó Chủ tịch Hiệp Hội Chữ thập Đỏ - Trăng Lưỡi liềm Đỏ quốc tế chia sẻ: Bất chấp sự khác biệt trong màu da sắc áo, hội nghị lần này đã thể hiện tình đoàn kết của các quốc gia; là nền tảng để hợp lý hóa các nỗ lực, xác định các ưu tiên và cùng nhau giải quyết các thách thức chung.

“Bất chấp những thách thức đang phải đối mặt, những vấn đề chính trị, kinh phí và không gian nhân đạo đang bị thu hẹp, cộng đồng những người yếu thế đang trông cậy vào tổ chức nhân đạo để đưa tiếng nói của họ đến với thế giới; huy động mạng lưới Chữ thập Đỏ và Trăng Lưỡi liềm Đỏ để giúp đỡ họ theo cách tốt nhất và phù hợp nhất,” bà Maha Barjas Hamoud Al Barjas nhấn mạnh.

Hội nghị đã thảo luận các vấn đề liên quan đến từng Hội quốc gia và bao trùm cả những thách thức nhân đạo lớn của thời đại để có giải pháp bền vững, đáng tin cậy, sẵn sàng ứng phó với thảm họa, cam kết sẽ làm nhiều hơn nữa và vươn xa hơn nữa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục