Bến Tre đặt mục tiêu đạt 20.000ha vùng dừa hữu cơ vào năm 2025

Năm 2023, tỉnh Bến Tre phát triển thêm 921,2ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 18.121ha, chiếm 23% diện tích dừa toàn tỉnh.

Nông dân Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)
Nông dân Bến Tre thu hoạch dừa khô nguyên liệu. (Ảnh: Công Trí/TTXVN)

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre Trần Ngọc Tam cho biết Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành nông nghiệp triển khai thực hiện theo tinh thần Nghị quyết số 07-NQ/TU ngày 21/01/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn với phát triển chuỗi giá trị nông sản chủ lực tỉnh Bến Tre giai đoạn 2020-2025 và định hướng đến năm 2030 và Kế hoạch số 3003/KH-UBND ngày 01/6/2021 của Ủy ban Nhân dân tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU.

Tỉnh Bến Tre đã xác định quy mô và lộ trình cụ thể thực hiện xây dựng vùng sản xuất dừa. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, xây dựng vùng sản xuất dừa hữu cơ đạt diện tích 20.000ha và 100ha dừa uống nước, tập trung liên kết với doanh nghiệp trên địa bàn các huyện Mỏ Cày Nam, Mỏ Cày Bắc, Châu Thành, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức cho biết năm 2023, tỉnh phát triển thêm 921,2ha dừa hữu cơ, nâng tổng diện tích dừa hữu cơ lên 18.121ha, chiếm 23% diện tích dừa toàn tỉnh; trong đó, có hơn 12.882ha đạt chứng nhận hũu cơ.

Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo ngành chức năng thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền, vận động tham gia xây dựng vùng sản xuất; xây dựng mô hình điểm về vùng sản xuất tập trung gắn với phát triển chuỗi giá trị.

Năm 2023, ngành chức năng tỉnh thực hiện hàng trăm cuộc tư vấn kỹ thuật, thực hành ủ phân hữu cơ, kỹ thuật canh tác dừa, xử lý sâu đầu đen hại dừa, thâm canh dừa uống nước trên địa bàn các huyện.

Đến nay, tỉnh đã xây dựng thí điểm 6 vùng sản xuất dừa tập trung với diện tích hơn 2.202ha; trong đó, 5 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, diện tích gần 2.163ha; 1 vùng sàn xuất dừa uống nước với diện tích 40ha. Các mô hình thí điểm mang lại hiệu quả khá tích cực và đang tiếp tục được mở rộng.

Đặc biệt, Bến Tre chú trọng vận động người dân chuyển đổi hình thức sản xuất theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã có thực hiện liên kết sản xuất với doanh nghiệp. Hình thức liên kết này được các ngành, các cấp phối hợp với các tổ chức chính trị xã hội thực hiện xuyên suốt.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bến Tre Huỳnh Quang Đức thông tin nhận thức của người dân tham gia vào kinh tế hợp tác gắn với xây dựng chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn tỉnh ngày càng nâng lên. Tỉnh bước đầu hình thành vùng nguyên liệu, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Trong năm 2023, tỉnh phát triển thêm 2 hợp tác xã tham gia xây dựng vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa với quy mô hiện liên kết tăng 4.230ha.

Đến nay, Bến Tre có 32 tổ hợp tác, 30 hợp tác xã tham gia vùng sản xuất gắn với chuỗi giá trị dừa, với diện tích đạt 23.747ha, chiếm 30% diện tích dừa toàn tỉnh.

Sản lượng dừa tham gia chuỗi giá trị đạt trên 230.000 tấn trên tổng sản lượng dừa toàn tỉnh là 688.000 tấn.

Đặc biệt, đối với những khu vực trồng dừa theo các tiêu chuẩn hữu cơ, các chi phí chứng nhận, quản lý vùng nguyên liệu đã được doanh nghiệp tham gia xây dựng vùng sản xuất đầu tư và thực hiện khá tốt.

Để hỗ trợ bà con nông dân trồng dừa, cũng như đồng hành cùng doanh nghiệp, hằng năm, từ nguồn ngân sách tỉnh đã hỗ trợ cho các hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật canh tác, tư vấn kỹ thuật canh tác dừa hữu cơ, cũng như tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm. Qua đó, nhằm giới thiệu, quảng bá rộng rãi về tiềm năng của cây dừa Bến Tre, cũng như kết nối tiêu thụ các sản phấm đặc trưng của tỉnh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục