Bài 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho nông dân

Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả

Bến Tre hiện đã thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ hiệu quả như chuỗi dừa hữu cơ, dừa uống nước, chuỗi tôm công nghệ cao, chuỗi cây ăn trái, giúp nông dân nâng cao năng lực canh tranh.
Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 1Dây chuyền dán mác, đóng bao bì sản phẩm bưởi da xanh Bến Tre. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Sau hơn 10 năm phát triển kinh tế tập thể theo Luật Hợp tác xã 2012, đến nay tỉnh Bến Tre đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng lẫn chất lượng. Nông dân chủ động hơn trong triển khai các hoạt động sản xuất, liên kết góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Bên cạnh đó, đây là nền tảng giúp nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh, nhanh chóng áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thật vào sản xuất để nâng cao lợi nhuận, phát triển kinh tế, xã hội khu vực nông thôn.

Bài 2: Nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo sức bật cho nông dân

Phát triển kinh tế tập thể là con đường tất yếu mà cả doanh nghiệp, nông dân và chính quyền địa phương phải làm. Qua đó, nâng cao kiến thức sản xuất, thông tin thị trường và năng lực quản lý cho các mắt xích trong chuỗi kinh tế tập thể này.

Cạnh tranh mạnh mẽ

Ông Huỳnh Quang Đức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre nhấn mạnh trước xu thế cạnh tranh hiện nay, phát triển theo chuỗi mới giúp nông dân Bến Tre nâng cao năng lực canh tranh.

Toàn tỉnh đang thực hiện các chuỗi sản xuất, tiêu thụ hiệu quả như chuỗi dừa hữu cơ, dừa uống nước, chuỗi tôm công nghệ cao, chuỗi cây ăn trái như bưởi, sầu riêng, chôm chôm...

Thông qua các chuỗi này, nông dân tham gia các cuộc họp để thông báo điều chỉnh vụ, trái vụ, tiêu chuẩn của các thị trường mà tuân thủ, thực hiện tốt.

Ông Đàm Văn Hưng, Chủ cơ sở chế biến, xuất khẩu trái cây Hương Miền Tây, Mỏ Cày Bắc, Bến Tre chia sẻ, trên thực tế, tỷ lệ hợp tác xã hoạt động hiệu quả chiếm tỷ lệ còn thấp. Do đó, để có thể nâng cao tỷ lệ này, doanh nghiệp liên kết hợp tác xã mới giúp được hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt nhu cầu thị trường tốt hơn.

Điển hình với trái chôm chôm Phú Phụng, đây là sản phẩm trái cây chủ lực của huyện Chợ Lách, được xây dựng chỉ dẫn địa lý của chôm chôm Bến Tre, nông dân cũng phải xử lý ra trái trái vụ, né vụ, lệch vụ và gối đầu vụ mới nâng cao giá trị trái chôm chôm.

Hoặc với sản phẩm bưởi da xanh phục vụ cho xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc, thị trường Mỹ, châu Âu, phải nâng cao tỷ lệ đạt chất lượng xuất khẩu từ 20% lên 40%, thì nông dân mới thu được lợi nhuận cao.

Theo ông Phạm Hồng Tùng, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Phú Phụng, đội ngũ kỹ thuật của Hợp tác xã Phú Phụng luôn tổ chức các cuộc họp thành viên hàng tuần để lên lịch cụ thể bao màng nhựa vườn chôm chôm cho từng hộ nông dân, chia nhỏ sản lượng chôm chôm trái vụ, né vụ chôm chôm khu vực Đông Nam Bộ và chôm chôm Thái Lan.

Khi đó, trái chôm chôm Bến Tre được bán ra với giá cao. Hợp tác xã Phú Phụng cũng thu mua cao hơn thị trường từ 5.000-10.000 đồng/kg. Nhờ cách thức này, hơn 22ha chôm chôm có mã số vùng trồng và hơn 17ha sầu riêng có mã số vùng trồng tăng năng lực canh tranh với sản phẩm khu vực khác.

Tương tự cách thức này, các vườn bưởi da xanh Hiệp Lợi cũng tham gia sản xuất bưởi da xanh hữu cơ né vụ để có thể tăng năng lực cạnh tranh.

Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 2Cơ sở Hương Miền Tây (ấp Phước Trung, xã Phước Mỹ Trung, huyện Mỏ Cày Bắc, tỉnh Bến Tre) chuyên cung cấp bưởi da xanh thương phẩm cho thị trường nội địa và xuất khẩu. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Là đơn vị cung ứng bưởi cho Cơ sở Hương Miền Tây, bà Trần Thị Mừng, thành viên Tổ hợp tác Hiệp Lợi chia sẻ, sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ có nhiều cái khó. Tuân thủ các công đoạn như kiểm tra độ pH, kiểm tra mẫu đất, tỷ lệ phân hữu cơ và phân NPK phải theo độ tuổi của cây, quản lý dịch bệnh trên cây bưởi tốt... Nhưng làm đúng tiêu chuẩn thì số lượng trái bưởi đạt chất lượng cao hơn, trái vụ thì giá bưởi cũng cao hơn.

Nhờ vào kinh tế tập thể, các thành viên của tổ hợp tác tiêu thụ hết nguồn bưởi thu hoạch trong giai đoạn ứng phó dịch bệnh COVID-19.

Thay đổi tạo hướng đi mới

Phát triển kinh tế tập thể vốn là hướng đi giúp nông dân phát triển, từ đó nâng cao đời sống, kinh tế-xã hội của toàn khu vực nông thôn. Tuy nhiên, với xu thế hiện nay, buôn có bạn-bán có phường còn kết hợp với sự phát triển của khoa học kỹ thuật thì mới phát huy hết hiệu quả.

Cụ thể, song song với sự đồng lòng sản xuất, tiêu thụ, nông dân cần trợ lực rất lớn từ khoa học kỹ thuật, thương mại điện tử.

[Bến Tre kết nối giao thương nông, thủy sản với doanh nghiệp Trung Quốc]

Hiệu quả thấy rõ nhất là từ ứng phó dịch bệnh COVID-19, toàn dân thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, giãn cách, không tiếp xúc thì chỉ có thương mại điện tử mới giúp nông dân, hợp tác xã, tổ hợp tác kết nối với người tiêu dùng.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Bến Tre, toàn tỉnh Bến Tre có 10 hợp tác xã có website quảng bá sản phẩm và tiêu thụ qua sàn thương mại điện tử, chủ yếu là cho sản phẩm bưởi, cây ăn trái, dừa và cây giống hoa kiểng.

Số lượng này còn rất ít nên tỉnh Bến Tre đang khuyến khích các hợp tác xã, tổ hợp tác nâng cao tương tác với người tiêu dùng qua hình thức thương mại điện tử.

Để tạo điều kiện cho kinh tế tập thể được phát huy hiệu quả hơn nữa trên địa bàn tỉnh, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cũng có nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế tập thể được lồng ghép với nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội.

Bến Tre: Kinh tế tập thể phát huy vai trò xây dựng nông dân khá giả ảnh 3Hợp tác xã Nông nghiệp Thới Thạnh, huyện Thạnh Phú cung ứng cho Công ty chế biến dừa Lương Quới 100.000 trái dừa hữu cơ mỗi tháng để chế biến xuất khẩu. (Ảnh Công Trí/TTXVN)

Ông Nguyễn Minh Cảnh, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre cho biết hàng năm tỉnh Bến Tre đều xây dựng kế hoạch để phát triển kinh tế tập thể với chính sách đặc thù.

Hiện nay, tỉnh đang thực hiện theo Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND ngày 8 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về việc quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh Bến Tre giai đoạn 2021-2025.

Theo đó, Nghị quyết số 25/2021/NQ-HĐND thực hiện hỗ trợ hợp tác xã về hỗ trợ thành lập mới, củng cố hợp tác xã, đào tạo nâng cao năng lực hợp tác xã, tổ hợp tác, hỗ trợ lao động về làm việc tại các hợp tác xã, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, hỗ trợ kết cấu hạ tầng và chế biến sản phẩm.

Đồng thời, tỉnh cũng giao Liên minh hợp tác xã tỉnh Bến Tre phối hợp với các sở, ngành nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ hợp tác xã theo Nghị định số 45/2021/NĐ-CP ngày 31/3/2021 của Chính phủ về việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác xã.

Không những vậy, tỉnh Bến Tre chỉ đạo các tổ chức tín dụng trên địa bàn tập trung thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2%/năm theo quy định tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.

Hiện nay, với yêu cầu thực tiễn, Luật Hợp tác xã 2012 cũng cần sửa đổi cho phù hợp với tốc độ phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, những sửa đổi này phải phù hợp với điều chỉnh và đáp ứng tốt hơn thực tế quản lý sản xuất và kinh doanh của hợp tác xã, tăng cường sự tham gia của các thành viên để đảm bảo công bằng và nắm bắt thông tin, yêu cầu thị trường, ông Nguyễn Minh Cảnh chia sẻ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục