Các nhà khoa học Mexico đang cố gắng giải mã nguyên nhân và tìm giải pháp đối phó với một căn bệnh lạ đang đe dọa rạn san hô Mesoamerican nổi tiếng ở vùng biển Caribe của nước này.
Rạn san hô Mesoamerican với nhiều màu sắc tuyệt đẹp ở vùng biển Mexico đã bắt đầu ngả màu trắng bợt và chỉ trong hơn một năm qua đã mất 30% diện tích do căn bệnh SCTLD khiến san hô bị vôi hóa và chết. Căn bệnh ít được biết đến này có thể phá hỏng mô san hô, đe dọa hủy diệt hệ thống san hô này.
Các chuyên gia cảnh báo SCTLD có thể "hô biến" một phần rộng lớn của rạn san hô Mesoamerican, một vòng cung tuyệt đẹp trải dài hơn 1.000km dọc bờ biển các nước gồm Mexico, Belize, Guatemala và Honduras.
Căn bệnh này còn có nguy cơ phá hủy ngành du lịch mũi nhọn tại các khu vực xung quanh rạn san hô lớn thứ 2 thế giới sau rạn san hô Great Barrier ở Australia.
Bệnh SCTLD bắt đầu xuất hiện tại vùng biển Caribe thuộc Mexico vào tháng Bảy năm ngoái, gần mũi phía Bắc của rạn san hô Mesoamerican, và đã lan xuống các khu vực bờ biển dài 400km ở phía Nam.
Tính đến thời điểm này, diện tích san hô bị hủy diệt do căn bệnh bí ẩn này đã vượt quá con số trong vòng 40 năm qua. Trước đó, "khắc tinh" của san hô đã lộ diện và tác động tới các rạn san hô ngoài khơi bờ biển bang Florida, miền Đông nước Mỹ, kể từ năm 2014.
Theo chuyên gia Melina Soto thuộc tổ chức bảo vệ môi trường Healthy Reefs for Healthy People, số san hô bị chết chỉ trong vài tuần ở Mesoamerican tương đương số san hô sinh trưởng trong hàng thập kỷ.
[Độ bao phủ của rạn san hô Great Barrier giảm mạnh hơn cảnh báo]
Chuyên gia trên cảnh báo hệ sinh thái san hô Mesoamerican sẽ biến mất trong vòng 5-10 năm tới nếu không có giải pháp ngăn chặn căn bệnh phá hỏng mô san hô.
Các chuyên gia cho biết bệnh SCTLD còn nguy hiểm hơn hiện tượng san hô bị tẩy trắng vốn đang đe dọa các ran san hô trên toàn thế giới, trong đó có rạn san hô lớn nhất thế giới Great Barrier ở Australia.
Hiện tượng tẩy trắng xảy ra khi điều kiện môi trường thay đổi bất thường, như nhiệt độ nước biển ấm hơn, khiến san hô tống ra lượng tảo quang hợp nhỏ, ảnh hưởng tới màu sắc của chúng. Tuy nhiên, san hô có thể tái tạo nếu môi trường xung quanh phục hồi trong một thời gian nhất định, trong khi với bệnh SCTLD, san hô hoàn toàn không có cơ may sống sót.
Nhà khoa học Claudia Padilla thuộc trung tâm nghiên cứu sinh học biển CRIP Puerto Morelos ở Mexico cảnh báo 25 trong số 40 loài san hô ở Mesoamerican đã bị ảnh hưởng, trong đó có 3 loài đang bên bờ tuyệt chủng.
Có nhiều yếu tố dẫn tới sự suy giảm độ bao phủ các rạn san hô nhưng phải kể đến hai yếu tố chính dẫn tới hiện tượng này là chất lượng nước kém trong vùng biển có rạn san hô do chất thải, cộng với hiện tượng tảo đuôi ngựa thối rữa. Một yếu tố khác là hóa chất từ kem chống nắng của khách du lịch.
Tháng này, nhà chức trách Mexico đã tạm thời đóng cửa 3 khu vực xung quanh rạn san hô Mesoamerican gồm Palancar, Colombia và El Cielo, những bãi biển nổi tiếng đón hàng nghìn lượt du khách mỗi năm./.