Bệnh nhân ghép phổi sẽ thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất

Thành công của các ca ghép phổi đóng góp thêm vào bảng thành tích của ghép bộ phận cơ thể người của Việt Nam, tất cả bệnh nhân có bệnh lý về phổi sẽ được thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất.
Bệnh nhân ghép phổi sẽ thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất ảnh 1Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương phát biểu tại hội thảo. (Nguồn: vtv.vn)

Ngày 22/10, Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và Trung tâm điều phối tạng Quốc gia tổ chức Hội thảo khoa học về chương trình ghép phổi tại Việt Nam và báo cáo về ca ghép phổi thành công sau một năm.

Chương trình có sự tham gia của các Giáo sư, Phó Giáo sư, Tiến sỹ đầu ngành về ghép tạng tại Việt Nam như Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương; Giáo sư, Tiến sỹ Lê Ngọc Thành, Hiệu trưởng Đại học Y Dược thuộc Đại học Quốc gia, Chủ tịch Hội Phẫu thuật Tim mạch Lồng ngực Việt Nam; Giáo sư, Tiến sỹ Trịnh Hồng Sơn, Giám đốc Trung tâm Điều phối Quốc gia về ghép bộ phận cơ thể người…

Hội thảo là dịp để đánh giá tổng quan về tình hình ghép tạng và thực trạng ghép tạng tại Việt Nam; quy trình điều phối tạng tại Trung tâm điều phối tạng Quốc gia; chia sẻ kinh nghiệm về ghép phổi và những thành tựu ghép tim, phổi tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, kinh nghiệm lấy đa tạng tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108...

Đặc biệt, tại Hội thảo, các đại biểu được nghe báo cáo về sự hồi phục kỳ diệu của người bệnh sau một năm ghép phổi thành công. Đây là ca ghép phổi do Bệnh viện Phổi Trung ương và Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp thực hiện vào tháng 9/2020.

Tròn một năm kể từ khi được phẫu thuật ghép phổi, giờ đây người bệnh đã hoàn toàn khỏe mạnh, chất lượng cuộc sống đã khác xưa rất nhiều. Người bệnh không chỉ hạnh phúc trong từng hơi thở mà còn có thể tự tin trong những hoạt động hàng ngày giống như bao người khác.

[Phổi bệnh nhân 91 đã hồi phục được 90%, không cần phải ghép phổi]

Hiện nay, lá phổi của người bệnh đã trở lại 80-90% như bình thường, không có tình trạng khó thở, không ho, sốt với SpO2 dao động từ 95-97%. Người bệnh hiện ổn định, sinh hoạt bình thường, không có hạn chế hoạt động thể lực, các xét nghiệm đều trong giới hạn bình thường.

Thành công đó không chỉ dừng lại ở quá trình phẫu thuật ghép phổi phức tạp được phối hợp thực hiện giữa các bệnh viện mà còn là cả một quá trình hồi sức, theo dõi hậu phẫu, chăm sóc bệnh nhân toàn diện về sau của rất nhiều bác sỹ, điều dưỡng xuyên suốt một năm qua tại Bệnh viện Phổi Trung ương, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung cho biết.

Cũng theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Viết Nhung, thành công này là sự hợp tác chặt chẽ giữa Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 với Bệnh viện Phổi Trung ương cả về kỹ thuật và điều hành trong quá trình ghép phổi cũng như quá trình điều trị, chăm sóc người bệnh trong hơn một năm qua.

Hàng năm, tại Bệnh viện Phổi Trung ương có khoảng 20-30 bệnh nhân có chỉ định ghép phổi, nếu không sẽ tử vong chỉ sau vài tháng. Ghép phổi là một trong những kỹ thuật ghép tạng khó nhất.

Thành công của ca ghép phổi này đóng góp thêm vào bảng thành tích của lĩnh vực ghép bộ phận cơ thể người của Việt Nam. Từ đó, chuẩn hóa quy trình điều trị nội khoa về phổi cũng như phẫu thuật phổi đạt tiêu chuẩn quốc tế cao nhất. Tất cả bệnh nhân có bệnh lý về phổi sẽ được thừa hưởng quy trình kỹ thuật tiên tiến nhất. Trong tương lai, Bệnh viện Phổi Trung ương sẽ đưa ghép phổi trở thành một phẫu thuật hàng năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục