Bệnh tâm thần gây hại cho các nước đang phát triển

Tài liệu WHO công bố ngày 19/8 cho thấy 80% số người mất khả năng tâm lý và tinh thần là công dân của các nước đang phát triển
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 19/8 đã công bố số liệu cho thấy hơn 80% số người mất khả năng tâm lý và tinh thần là công dân của các nước đang phát triển và họ hầu như không nhận được bất kỳ liệu pháp điều trị nào cả về tâm thần cũng như tâm lý.

Các nhà kinh tế thế giới lo ngại bệnh tâm thần đã trở thành kẻ phá hoại thầm lặng thế giới đang phát triển cả về kinh tế và xã hội. Người bệnh tâm thần ở những nước này đang bị phân biệt đối xử về giáo dục, việc làm, hôn nhân, nhà ở và bị loại khỏi xu thế của xã hội.

Giám đốc Vụ sức khỏe tâm thần của WHO Michelle Funk nhấn mạnh nghèo đói là nguy cơ dẫn đến mất sức khỏe tâm thần của con người. Điều trị bệnh tâm thần không chỉ giữ vai trò quan trọng trong việc xóa đói nghèo mà còn đóng vai trò thiết yếu, làm giảm tỷ lệ tử vong của trẻ em và cải thiện sức khỏe của các bà mẹ.

Tuy nhiên, thực tế số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần ở các nước đang phát triển còn rất hạn chế. Trong khi tỷ lệ bác sĩ tâm thần ở châu Âu là 9,8 bác sĩ/100.000 dân thì ở châu Phi chỉ là 0,04 bác sĩ/100.000 dân.

Nhiều nước đang phát triển còn không có dịch vụ y tế tâm thần hoặc một số nước như Guinea Bissau, Liberia hầu như không có bác sĩ hay nhân viên xã hội.

WHO khẳng định tỷ lệ bệnh tâm thần có xu hướng tăng gấp đôi sau những tình trạng khẩn cấp về chính trị, kinh tế, xã hội, y tế. Tác động của những thảm họa thiên nhiên, các cuộc tấn công khủng bố, xung đột, và các tình trạng khẩn cấp về y tế công... có thể gây chấn thương tâm lý kéo dài, căng thẳng thần kinh và tâm trạng lo âu.

Những rối loạn về tinh thần cũng như thần kinh là những nguyên nhân hàng đầu có thể làm mất khả năng của y tế toàn cầu. Các bác sĩ còn cho biết bệnh tâm thần được coi là dấu hiệu báo trước các vấn đề sức khỏe sau này như bệnh tim mạch, đột quỵ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục