Bhutan và Nepal muốn tăng nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam

Các mặt hàng thế mạnh của Việt Nam như nông sản, thủy sản, máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng điện tử, hàng tiêu dùng... được Bhutan và Nepal hết sức quan tâm và muốn tăng cường nhập khẩu.
Bhutan và Nepal muốn tăng nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam ảnh 1Đại sứ Tôn Sinh Thành (giữa) và Tổng thống Nepal Ram Baran Yadav (mặc lễ phục) tại lễ trình quốc thư ở Kathmandu. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)

Đại sứ Tôn Sinh Thành vừa hoàn tất kế hoạch trình Quốc thư tại Bhutan và Nepal. Trong dịp trình Quốc thư, Đại sứ Tôn Sinh Thành đã có các cuộc gặp gỡ tiếp xúc với các quan chức Chính phủ hai nước, cũng như cộng đồng doanh nghiệp và bà con người Việt.

Phóng viên thường trú TTXVN tại New Delhi, Ấn Độ, đã có cuộc phỏng vấn Đại sứ Tôn Sinh Thành về tiềm năng quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Bhutan và Nepal.

- Xin Đại sứ cho biết một số đánh giá khi đến trình Quốc thư tại Bhutan và Nepal?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Đây là hai quốc gia khá đặc biệt về địa lý cũng như văn hóa và lịch sử. Cả hai nước đều nằm trên sườn dãy núi Himalaya cao nhất và dài nhất thế giới.

Đặc điểm chung của hai nước là có nền văn hóa rất đặc sắc. Bhutan thì gần như 100% văn hóa Phật giáo, còn Nepal chủ yếu là mang đặc trưng văn hóa Hindu giáo, nhưng cũng có nhiều di tích văn hóa Phật giáo.

Cả hai nước đều có tiềm năng lớn về thủy điện và du lịch, những đỉnh núi cao nhất thế giới, di tích Phật giáo và Hindu giáo là những điểm thu hút mạnh khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới đến để khám phá.

Bhutan có tỷ lệ tăng trưởng và thu nhập bình quân đầu người thuộc diện cao nhất Hiệp hội hợp tác khu vực Nam Á (SAARC). Người dân nơi đây được hưởng phúc lợi xã hội cao, miễn phí về giáo dục và y tế, đa số hài lòng với cuộc sống. Bhutan cũng mở cửa nhập khẩu hầu hết các sản phẩm công nghiệp, hàng tiêu dùng từ các nước.

Tôi đã có cuộc gặp với Tổng giám đốc Cơ quan phát triển du lịch Bhutan và được biết không phải họ không muốn mở cửa cho du lịch vào, mà do chưa đủ cơ sở hạ tầng và cũng không muốn thu hút du lịch bằng mọi giá làm hỏng môi trường sinh thái, nên họ không khuyến khích du lịch đại trà và vẫn hạn chế về số lượng du khách, chỉ đón khách du lịch chất lượng cao.

Tôi cho rằng ngành du lịch Việt Nam cũng nên nghiên cứu kinh nghiệm này của Bhutan.

Tại Nepal, chúng tôi đã chứng kiến các đền đài nổi tiếng bị đổ nát, chưa xây dựng lại được sau vụ động động đất hồi tháng Năm vừa qua. Nhưng qua tiếp xúc, chúng tôi thấy rõ những nỗ lực của lãnh đạo và nhân dân Nepal nhằm ổn định xã hội để tập trung tái thiết và phát triển đất nước. Bạn tỏ ra lạc quan vì đang nhận được sự giúp đỡ rất tích cực của cộng đồng quốc tế và bản thân Nepal cũng có rất nhiều tiềm năng.

Nepal có tiềm năng thủy điện khoảng 42.000 MW, nhưng tổng công suất lắp đặt hiện tại mới chỉ đạt gần 800MW. Nepal có tới 8/10 ngọn núi cao nhất thế giới và nhiều di tích lịch sử và tôn giáo, nên luôn là một điểm du lịch hấp dẫn.

Bhutan và Nepal muốn tăng nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam ảnh 2Đại sứ Tôn Sinh Thành và Quốc vương Bhutan Jigme Khesar Namgyel Wangchuck tại lễ trình quốc thư ở thủ đô Thimphu. (Ảnh: Minh Lý/Vietnam+)

- Trong dịp trình Quốc thư tại Bhutan và Nepal, Đại sứ đã có các cuộc gặp gỡ với giới chức Chính phủ, tiếp xúc với doanh nghiệp và cộng đồng người Việt tại hai nước. Qua các cuộc gặp gỡ và tiếp xúc này, Đại sứ nhận định như thế nào về tiềm năng hợp tác giữa Việt Nam với Bhutan và Nepal?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Ở cả Bhutan và Nepal, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của Lãnh đạo và nhân dân hai nước đối với Việt Nam. Họ đều ngưỡng mộ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của ta trước đây và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam hiện nay, coi đó là nguồn cảm hứng cho nhân dân hai nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước. Họ cũng nhấn mạnh những điểm tương đồng về văn hóa giữa Việt Nam với hai nước.

Quốc vương Bhutan hoan nghênh Việt Nam cử Đại sứ đầu tiên tại đây kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức từ 2012. Còn lãnh đạo Nepal đề nghị tăng cường trao đổi đoàn để kỷ niệm 40 thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1975-2015).

Do vậy, tôi cho rằng hợp tác của Việt Nam với hai nước Bhutan và Nepal đã có những tiền đề và cơ hội để phát triển.

- Theo Đại sứ, Việt Nam nên tập trung khai thác tiềm năng hợp tác trong lĩnh vực nào tại Buhutan và Nepal là tốt nhất?

Đại sứ Tôn Sinh Thành: Lãnh đạo cả hai nước cũng nhấn mạnh tiềm năng hợp tác với Việt Nam trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch. Cả hai nước đều muốn tăng cường nhập khẩu các mặt hàng của Việt Nam, như máy móc nông nghiệp, vật liệu xây dựng, hàng điện tử, hàng tiêu dùng, lương thực, thủy sản.

Đặc biệt, Bhutan muốn nhập gạo của Việt Nam. Nepal với 28 triệu dân cùng với hàng triệu khách du lịch cũng là một thị trường không nhỏ, cần nhập khẩu rất nhiều loại mặt hàng từ Việt Nam.

Về đầu tư, tại hai nước này đã bắt đầu có sự hiện diện của doanh nghiệp Việt Nam.

Dự án đầu tư đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực sản xuất đồ gỗ nội thất tại Bhutan được bạn đánh giá rất cao. Tại Nepal, hiện đã có tới 3 nhà hàng Việt Nam nổi tiếng đối với khách du lịch quốc tế và thực khách Nepal. Cả Bhutan và Nepal đều cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi cho đầu tư và du lịch của Việt Nam.

- Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục