Với khoảng 8,3 chai rượu champagne nhập khẩu năm 2012, Bỉ là một trong năm quốc gia tiêu thụ nhiều rượu champagne nhất trên thế giới.
Nếu năm 2011, 9,6 triệu chai champagne được nhập khẩu vảo Bỉ thì năm 2012, con số này là 8,3 triệu chai.
Champagne được nhập vào Bỉ chủ yếu đến từ vùng sản xuất rượu nổi tiếng của Pháp là Champagne.
Giải thích về sự sụt giảm này, ông Grégoire Van den Ostende, Giám đốc Văn phòng Công ty Champagne Benelux cho biết ngày càng nhiều người Bỉ đến tận nơi sản xuất để mua rượu với khoảng từ 2-5 triệu chai mỗi năm. Số lượng này không tính vào lượng chai nhập khẩu.
Rượu champagne đến từ các vùng nổi tiếng của Champagne là Marne, Aube, Haute-Marne, Aisne và Seine-et-Marne được xuất khẩu sang 190 nước trên thế giới.
Trong những năm qua, nếu Bỉ chiểm vị trí thứ 4 trong số các nhà nhập khẩu champagne thì năm 2012, Nhật Bản vươn lên vị trí này khiến Bỉ tụt một bậc, chiếm vị trí thứ 5. Ba vị trí đầu bảng vẫn không thay đổi, đó là Anh (32,4 triệu chai), Mỹ (17,7 triệu chai) và Đức (12,6 triệu chai).
Nhìn chung, việc tiêu thụ rượu champagne tại châu Âu giảm liên quan đến khủng hoảng và tinh thần giảm sút của người dân. Trong khi đó, các nước ở các châu lục khác lại chiếm một thị phần khá lớn trong xuất khẩu champagne của châu Âu.
56% sản lượng rượu của Pháp được tiêu thụ trong nước và 44% còn lại được chuyển tới các vùng miền khác như châu Mỹ và châu Á. Đây là những thị trường tiêu thụ mới của sản phẩm rượu champagne.
Trong số các loại rượu vang được công nhận tên gọi xuất xứ kiểm soát (AOC) của vùng Champagne, loại phớt hồng và loại được sản xuất từ nho lên men trong thùng ủ vẫn được ưa chuộng nhất. Đây là những dòng rượu được bán sang các thị trường ngoài châu Âu.
Người dân châu Âu nói chung và dân Bỉ nói riêng chỉ thích một loại gu truyền thống. Họ ngại ngùng thử các sản phẩm mới. Ông Grégoire Van den Ostende cho biết: "Đây chính là một thách thức thực sự của chúng tôi. Thật khó khi thuyết phục mọi người khám phá các loại rượu champagne mới không phải dòng truyền thống."
Chiến lược của Ủy ban liên ngành rượu vang vùng Champagne (CIVC) trong đó có Văn phòng Champagne Benelux là duy trì uy tín của loại rượu này đồng thời gắn nó với phong cách sống kiểu Pháp, bởi tại một số quốc gia như Mỹ, Argentina, Nga, ngay cả Việt Nam vẫn chưa có chỉ dẫn địa lý của vùng Champagne.
Việc thừa nhận và bảo vệ tên gọi xuất xứ của dòng rượu này vừa được thực hiện tại Trung Quốc và Brazil. Hiện nay, rượu Champagne đang mong muốn sẽ được UNESCO công nhận là di sản thế giới thuộc mục "Phong cảnh văn hóa."
Hồ sơ rượu champagne đã được gửi tới các nhà lãnh đạo Pháp để chỉnh sửa trước khi chuyển tới UNESCO. Đây không phải chỉ là việc công nhận sản phẩm mà chính là quảng bá cho phong cảnh cũng như văn hóa vùng Champagne.
Theo một đại diện của CIVC thì phần lớn các địa danh sau khi được UNESCO công nhận, lượng khách du lịch tới tham quan tăng 30%. Đó cũng là mục đích của CIVC vinh danh cho Champagne./.