Biển là trụ cột chính phát triển kinh tế bền vững

Liên hợp quốc đã khẳng định tiềm năng khổng lồ của biển và đại dương trong phát triển kinh tế bền vững và giảm tình trạng đói nghèo.
Trong một nghiên cứu về chủ đề “Kinh tế xanh trong một thế giới xanh" công bố ngày 1/2, Liên hợp quốc đã khẳng định tiềm năng khổng lồ của biển và đại dương trong phát triển kinh tế bền vững và giảm đói nghèo.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn nghiên cứu nhấn mạnh sự lành mạnh của môi trường biển và đại dương cùng khu vực ven biển là những nhân tố thiết yếu trong nền kinh tế xanh. Một đường lối kinh tế bền vững hơn có thể thúc đẩy sự lành mạnh của hệ sinh thái và hiệu quả kinh tế của các hệ sinh thái biển và ven biển nhằm khơi dậy tiềm năng tự nhiên của môi trường biển như nguồn năng lượng tái sinh, du lịch sinh thái, ngư nghiệp và vận tải bền vững.

Biển và đại dương là trụ cột chính trong phát triển và chống đói nghèo của nhiều nước nhưng các dịch vụ hệ sinh thái được môi trường biển và ven biển cung cấp như an ninh lương thực, giảm biến đổi khí hậu… hiện đang bị kéo căng quá mức.

Nghiên cứu đưa ra các số liệu cho thấy 20% rừng đước ven biển trên thế giới đã biến mất, hơn 60% dải san hô nhiệt đới đang bị đe doạ nghiêm trọng. Với hơn 40% dân số thế giới sống trong bán kính 100km từ bờ biển, tác động của con người ngày càng gây nguy hại cho sức khỏe và hiệu quả kinh tế của biển và đại dương trên toàn cầu. Các chất ô nhiễm hữu cơ có gốc nitơ đổ ra biển do các hoạt động của con người đã tăng gấp 3 lần so với thời kỳ trước công nghiệp hoá và có thể tăng thêm 2,7 lần so với hiện nay nếu hiện trạng ô nhiễm hiện nay vẫn tiếp tục đến năm 2050.

Nghiên cứu chung của Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP), Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP), Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO), Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO), Vụ Kinh tế và các vấn đề xã hội của Liên hợp quốc (UN DESA), Liên minh quốc tế bảo tồn tự nhiên (IUCN), Trung tâm cá thế giới và Cơ quan thông tin môi trường cho các nhà hoạch định chính sách (GRID) khuyến cáo quản lý bền vững các nguồn phân bón trong nông nghiệp có thể giảm chi phí chống ô nhiễm biển tới 100 tỷ USD hàng năm chỉ riêng ở Liên minh châu Âu.

Tăng cường đầu tư xanh phát triển bền vững các nguồn tài nguyên biển và ven biển cũng như tăng cường hợp tác quốc tế trong quản lý các hệ sinh thái xuyên quốc gia này có tầm quan trọng thiết yếu thúc đẩy quá trình chuyển nền kinh tế không bền vững hiện nay sang nền kinh tế xanh.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thế giới cần dành 50 tỷ USD hàng năm để khôi phục lượng cá và giảm khả năng đánh bắt xuống mức hợp lý nhất trong bối cảnh có tới 30% nguồn cá đang bị khai thác cạn kiệt và 50% đang bị khai thác ở mức độ tối đa. Nuôi trồng thủy sản sẽ tạo ra nhiều việc làm có chất lượng, góp phần cân bằng thương mại và đáp ứng nhu cầu thủy sản đang tăng nhanh trên toàn cầu.

Thúc đẩy công nghệ xanh vừa giúp giảm mạnh khí thải cácbon gây hiệu ứng nhà kính vừa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, an ninh lương thực và dinh dưỡng, giảm đói nghèo. Xanh hóa ngành vận tải đường biển, hiện vận chuyển hơn 90% hàng hóa thương mại toàn cầu và được coi là an toàn, hiệu quả và an ninh nhất, có thể đạt được thông qua nỗ lực của các nước thực hiện các tiêu chuẩn vận tải xanh, chuyển các nguồn nhiên liệu truyền thống sang sử dụng các nguồn nhiên liệu thân thiện với môi trường biển.

Nghiên cứu chung của các cơ quan Liên hợp quốc kêu gọi các nước khai thác các nguồn năng lượng tái sinh từ biển và đại dương như các nguồn năng lượng gió, sóng biển và thủy triều. Các nguồn năng lượng này hiện mới chiếm 1% tổng sản lượng các nguồn năng lượng tái sinh toàn cầu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục