Biểu tình lớn phản đối bạo lực tôn giáo tại Pakistan

Các cuộc biểu tình đã bùng phát trên khắp Pakistan để phản đối tình trạng bạo lực nhằm vào người Hồi giáo dòng Shi'ites thiểu số.
Các cuộc biểu tình đã bùng phát trên khắp Pakistan trong ngày 17/2 nhằm đòi chính quyền có biện pháp bảo vệ người Hồi giáo dòng Shi'ites sau khi một quả bom phát nổ nhằm vào cộng đồng thiểu số này làm ít nhất 84 người thiệt mạng và 178 người bị thương hôm 16/2 tại thành phố Quetta thuộc tỉnh Baluchistan.

Khoảng 4.000 phụ nữ đã tham gia biểu tình ngồi tại Quetta, chặn một tuyến phố và ngăn cản việc chôn cất các nạn nhân trong vụ tấn công trên.

Các quan chức chính quyền và cảnh sát đã tiến hành đàm phán với người Shi'ites nhằm chấm dứt biểu tình và tạo điều kiện cho việc chôn cất những nạn nhân xấu số, tuy nhiên, người biểu tình cho biết họ sẽ ngồi đây cho tới khi chính quyền có hành động chống lại các phần tử cực đoan đứng sau vụ tấn công dã man này.

Trong khi đó, hơn 1.500 người Shi'ites đổ xuống các ngả đường ở thành phố miền Đông Lahore để đòi chính quyền sớm có hành động. Biểu tình tương tự cũng diễn ra tại thành phố Multan và Muzaffarabad.

Tỉnh trưởng Zulfiqar Magsi cáo buộc chính sự yếu kém của các lực lượng an ninh và cơ quan tình báo đã để xảy ra thảm kịch trên. Trong khi đó, người phụ trách các vấn đề nội vụ của tỉnh, ông Akbar Hussain Durrani cho biết chính quyền đã có hành động chống các tay súng, nhiều nghi can đã bị bắt giữ và nhiều vũ khí đã bị tịch thu.

Vụ đánh bom hôm 16/2 đã nâng số người thiệt mạng vì các cuộc tấn công giáo phái tại Pakistan từ đầu năm tới nay lên gần 200 người, so với hơn 400 người trong cả năm 2012. Đây là vụ tấn công lớn thứ hai nhằm vào người Shi'ites ở Quetta trong năm nay, sau một vụ đánh bom kép liều chết tại một câu lạc bộ bia hôm 10/1 làm ít nhất 92 người thiệt mạng. Nhóm vũ trang bị cấm hoạt động Lashkar-e-Jhangvi (LeJ) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên.

Pakistan sẽ tổ chức một cuộc tổng tuyển cử trong những tháng tới, tuy nhiên có nhiều lo ngại rằng tình trạng gia tăng xung đột giáo phái và bạo lực có thể làm trì hoãn các cuộc bỏ phiếu./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục