Biểu tình lớn phản đối chính phủ tại Bồ Đào Nha

Hàng trăm nghìn người từ khắp Bồ Đào Nha đã đổ về thủ đô Lisbon biểu tình phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.
Hàng trăm nghìn người từ khắp Bồ Đào Nha ngày 11/2 đã đổ về thủ đô Lisbon biểu tình phản đối các biện pháp "thắt lưng buộc bụng" của chính phủ.

Tổng Thư ký Tổng liên đoàn lao động Bồ Đào Nha Armenio Carlos cho biết có tới hơn 300.000 người tham gia cuộc biểu tình.

Ông Carlos cho biết đây là cuộc biểu tình lớn nhất tại Lisbon trong 30 năm qua. Tham gia biểu tình có các nhân viên nhà nước vốn chịu ảnh hưởng nhiều nhất của những biện pháp "thắt lưng buộc bụng," thanh niên, người về hưu, người thất nghiệp đến từ khắp Bồ Đào Nha.

Những người biểu tình lên án tình trạng bất bình đẳng và nghèo đói trong xã hội Bồ Đào Nha. Họ cũng phản đối tình trạng thất nghiệp, cắt giảm lương, cắt giảm ngân sách dành cho y tế và giáo dục, tăng thuế giao thông vận tải.

Ông Carlos tuyên bố chính sách "thắt lưng buộc bụng" mà Chính phủ Bồ Đào Nha thực hiện nhằm đổi lấy các gói cứu trợ quốc tế là không có tương lai, trong khi nghèo đói lại gia tăng. Chính sách mà Quĩ Tiền tệ quốc tế (IMF), Liên minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) áp đặt không giải quyết các vấn đề của Bồ Đào Nha mà chỉ đưa đất nước đến vực thẳm kinh tế và xã hội.

Ông kêu gọi chính phủ thay đổi chính sách để hướng tới tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm, bảo vệ lợi ích quốc gia. Theo ông, cần phải tăng lương tối thiểu lên 485 euro, nếu không 400.000 công nhân nước này sẽ tiếp tục sống dưới mức nghèo khổ.

Cuộc biểu tình này diễn ra vài ngày trước khi các quan chức thuộc "Nhóm bộ ba" (gồm Liên minh châu Âu, Ngân hàng Trung ương châu Âu và Quỹ Tiền tệ quốc tế) tới Bồ Đào Nha để đánh giá những tiến bộ đối với chương trình cứu trợ của nước này. Theo các chuyên gia, Bồ Đào Nha có thể phải cần thêm những khoản cứu trợ nếu không thể tái cơ cấu nợ, giống như Hy Lạp.

Để đổi lấy khoản tín dụng 78 tỷ euro (103 tỷ USD) từ EU và IMF hồi tháng 5/2011, Bồ Đào Nha đã đồng ý bán các công ty quốc doanh cũng như thực hiện cải cách lao động và rút ngắn số ngày nghỉ. Tuy nhiên, các biện pháp khắc khổ này không nhận được sự ủng hộ của người dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục