Không phải để lấy danh

Bill Gates: Làm từ thiện không phải để tạo tên tuổi

Bill Gates nói rằng ông không quan tâm việc bị mọi người lãng quên, miễn là các bệnh tật như bại liệt được loại bỏ khỏi thế giới.
Tỷ phú Mỹ Bill Gates, một trong những người giàu nhất và làm từ thiện nhiều nhất thế giới, phát biểu ngày 3/1 rằng ông không quan tâm nếu sau này ông qua đời và bị mọi người lãng quên, miễn là các bệnh tật như bại liệt được loại bỏ khỏi thế giới. “Tôi không cần được nhớ đến,” nhà đồng sáng lập hãng Microsoft nói với AFP ở New York. Tỷ phú 57 tuổi này hiện có tài sản ước tính 66 tỷ USD, theo tạp chí Forbes, xếp thứ hai chỉ sau nhà tài phiệt Mexico Carlos Slim. Gates nói kể từ khi rời cương vị điều hành ở Microsoft và tập trung vào quỹ từ thiện của hai vợ chồng ông, Bill and Melinda Gates Foundation, ông chỉ tập trung vào những vùng nghèo nhất trên thế giới. “Không có ai trong số những người có rủi ro bị bại liệt biết bất kỳ điều gì về tôi, và họ chẳng cần phải biết. Họ phải đối phó với đời sống vất vả hàng ngày và nỗi lo sợ con cái họ lớn lên bị bại liệt,” Gates nói trong cuộc phỏng vấn. Quỹ từ thiện của ông tới giờ đã chi ra 25 tỷ USD cho các dự án chống bệnh tật ở những vùng nghèo nhất và hiện quỹ còn lại khoảng 36 tỷ USD. “Vợ tôi và tôi đã quyết định quỹ của mình sẽ chi hết tiền trong 20 năm sau khi cả hai chúng tôi không còn, tức là chúng tôi chẳng định để lại danh tiếng gì cả," Gates nói. Mục tiêu số một là bệnh bại liệt, hiện đã được xóa sổ ở Ấn Độ. Gates nói mục tiêu loại bỏ bệnh bại liệt trên toàn cầu là khả thi, với chỉ còn lại Afghanistan, Nigeria và Pakistan là những nước còn nhiều khó khăn. “Trong khi tôi còn sống, bệnh bại liệt không chỉ là bệnh duy nhất có thể được xóa sổ. Thậm chí sốt rét, dù việc này có thể mất vài thập kỷ, cũng có thể được loại bỏ,” ông nói.
Bill Gates: Làm từ thiện không phải để tạo tên tuổi ảnh 1
Một em bé ở Pakistan được uống vaccine theo chương trình của Bill Gates (Nguồn: AFP)
Gates nói các gói viện trợ truyền thống từ chính phủ các nước giàu cho các nước nghèo thường là không hiệu quả, hoặc còn khiến mọi việc tồi tệ hơn. “Rất nhiều các khoản tiền đó là để mua sự thân thiện và không nên được gọi là viện trợ,” ông nói. Gates nói mục tiêu của những người làm từ thiện là phải gắn viện trợ với các mục tiêu cụ thể và một tiến trình giám sát chặt chẽ./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục