Bình Định tiếp tục gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây nông thôn mới

Qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Bình Định đã thực hiện được 627 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn với quy mô 25.737ha, lợi nhuận trung bình mỗi ha tham gia mô hình đạt 30,8 triệu đồng.
Bình Định tiếp tục gắn tái cơ cấu nông nghiệp với xây nông thôn mới ảnh 1Cánh đồng mẫu lớn. Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Ngày 20/9, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội do ông Nguyễn Lâm Thành, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội dẫn đầu đã làm việc tại một số địa phương và lãnh đạo tỉnh Bình Định, về nội dung kết quả thực hiện chủ trương tái cơ cấu nông nghiệp trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia trong những năm qua, cũng như trong thời gian tới.

Phát biểu kết luận tại buổi giám sát, ông Nguyễn Lâm Thành đã đánh giá cao kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp của Bình Định; ghi nhận các đề xuất, kiến nghị của địa phương về điều chỉnh các cơ chế, chính sách để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Đoàn giám sát cũng lưu ý, nông dân là chủ thể chính và cũng là sức mạnh của quá trình thực hiện Chương trình Xây dựng nông thôn mới. Tỉnh cần xác định rõ, đích đến cuối cùng của Chương trình xây dựng nông thôn mới là thay đổi tập quán sản xuất nhỏ, lẻ của nông dân và nâng cao thu nhập của người dân theo hướng tích cực.

Do vậy, việc đầu tư hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật như điện, đường, trường, trạm… mới chỉ là bề nổi; vấn đề chính là phải làm sao đẩy mạnh việc hỗ trợ nông dân đẩy mạnh sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống mới là mục tiêu quan trọng.

Đoàn giám sát cũng đề nghị tỉnh cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về mục tiêu, cơ chế, chính sách, phương thức thực hiện... của Chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

Các quyết định đầu tư hạ tầng cần chú ý đến mục tiêu tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội, nhất là tác động đến việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế địa phương, Chính quyền các cấp cần quan tâm đến công tác duy tu, bảo dưỡng các công trình hạ tầng nông thôn; tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí xây dựng nông thôn mới để tránh bị tụt hậu.

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân tỉnh, sau 5 năm thực hiện Chương trình, tỉnh đã có 28/122 xã được công nhận đạt chuẩn xã nông thôn mới. Tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình trong giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn tỉnh là 36.571 tỷ đồng, phần đóng góp của nhân dân là 425 tỷ đồng. Riêng trong năm 2016, tỉnh có 12 xã đăng ký hoàn thành Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Nhờ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới đã tạo ra sự gắn kết, đồng lòng ủng hộ của người dân, hướng tới mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống, phát triển kinh tế-xã hội ở khu vực nông thôn.

Cùng với việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã tích cực triển khai công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp; tổ chức lại sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất; đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn.

Qua thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tỉnh đã thực hiện được 627 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn với quy mô 25.737ha. Lợi nhuận trung bình mỗi ha tham gia mô hình đạt 30,8 triệu đồng, cao hơn ngoài mô hình hơn 17,5 triệu đồng.

Ngành Nông nghiệp tỉnh cũng đã hình thành được các chuỗi sản xuất, tiêu thụ trong lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi và thủy sản. Các mô hình kinh tế trang trại, gia trại được nông dân đầu tư phát triển mạnh.

Ngoài ra, tỉnh còn thu hút được một số dự án đầu tư sản xuất con giống gia súc, gia cầm, thủy sản có quy mô và thương hiệu uy tín, góp phần thúc đẩy tăng trưởng sản xuất.

Tại buổi làm việc, Ủy ban Nhân dân tỉnh kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương cần sớm ban hành Bộ tiêu chí nông thôn mới cấp xã giai đoạn 2016-2020; ban hành quy định thực hiện cơ chế đầu tư đặc thù trong xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với quy định hiện hành.

Có chính sách điều chỉnh cơ chế phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ và tăng mức vốn hỗ trợ thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới cho phù hợp với tình hình thực tế từng địa phương, từng vùng.

Trước đó, Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã về kiểm tra công tác tái cơ cấu nền nông nghiệp trong xây dựng nông thôn mới tại 2 xã Nhơn Lộc, thị xã An Nhơn và xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước./. 

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục