Bình Dương: Điểm nhấn mô hình dự phòng lây nhiễm HIV ở trường đại học

Tỉnh Bình Dương đang gấp rút hoàn thiện cơ sở điều trị PrEP trong Trường Đại học Thủ Dầu Một. Đây là một sáng kiến táo bạo, nhưng cũng đầy thách thức.
PrEP là biện pháp can thiệp dự phòng HIV hiệu quả, an toàn và phù hợp với nhóm cộng đồng trẻ tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)
PrEP là biện pháp can thiệp dự phòng HIV hiệu quả, an toàn và phù hợp với nhóm cộng đồng trẻ tuổi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Thống kê của Cục Phòng chống HIV/AIDS cho thấy đến cuối năm 2022, ước tính số người nhiễm HIV trên toàn quốc là 242.000, trong đó số phát hiện mới năm 2022 là 11.037. Đã có 112.572 người nhiễm HIV tử vong.

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, cả nước ghi nhận 8.025 trường hợp phát hiện mới HIV dương tính, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, 82% là nam giới, độ tuổi chủ yếu là từ 16-29 (chiếm 46%), 30-39 (chiếm 29%); đường lây chủ yếu là quan hệ tình dục không an toàn (74%), đối tượng nam quan hệ tình dục đồng giới chiếm 41%. 

Những con số trên cho thấy tình hình lây truyền HIV/AIDS tăng nhanh trong giới trẻ, tuổi từ 16-29, đặc biệt tại các khu công nghiệp ở các tỉnh, thành phố lớn, rất đáng lo ngại.

Điều trị PrEP trong Trường đại học

PrEP là biện pháp sử dụng thuốc kháng virus để dự phòng lây nhiễm HIV ở người có nguy cơ cao chưa bị nhiễm HIV, giúp phòng ngừa lây nhiễm HIV. Đây là biện pháp can thiệp dự phòng HIV hiệu quả, an toàn và phù hợp với nhóm cộng đồng trẻ tuổi.

Tỉnh Bình Dương hiện có 8 trường đại học, cao đẳng nghề với 70.000 sinh viên. Vì thế, nguy cơ lây nhiễm HIV trong nhóm nam quan hệ đồng giới trong nhóm bạn trẻ đang ngồi trên ghế nhà trường rất cao.

[Bình Dương: Nhiều sáng kiến hiệu quả trong tìm ca mắc mới HIV/AIDS]

Hiện nay, tỉnh Bình Dương đang gấp rút hoàn thiện cơ sở điều trị PrEP trong Trường Đại học Thủ Dầu Một. Đây là một sáng kiến táo bạo, nhưng cũng đầy thách thức, đặc biệt là việc thuyết phục các bạn trẻ trong nhóm nam quan hệ đồng giới.

Thầy Nguyễn Quỳnh Phương - Giảng viên Khoa Y dược (Trường Đại học Thủ Dầu Một) cho biết Trường đang gấp rút được hoàn thiện để phòng điều trị đi vào hoạt động trong khoảng 2 tháng tới. Từ ý tưởng tới thực tiễn thành lập phòng điều trị  khoảng hơn 1 năm. Các cán bộ của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Bình Dương đã đào tạo cơ bản về mặt nhân sự với 7 người có chuyên môn tư vấn, điều trị dự phòng PrEP. Trường đang chờ các thủ tục cấp phép, nhập sinh phẩm để ra mắt cơ sở điều trị.

Bình Dương: Điểm nhấn mô hình dự phòng lây nhiễm HIV ở trường đại học ảnh 1Thầy Nguyễn Quỳnh Phương - Giảng viên Khoa Y dược (Trường Đại học Thủ Dầu Một. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Trường Đại học Thủ Dầu Một hiện có 18.000 sinh viên, trong đó 40% là nam giới, sống chủ yếu trong các khu nhà trọ quanh trường. Với tỷ lệ nam giới cao, có nhiều đối tượng nguy cơ nhiễm bệnh, việc khai dự án PrEP tại trường với mục tiêu cao nhất là sinh viên của trường được bảo vệ trước căn bệnh AIDS.

Nhà trường, trạm y tế phường cùng các bạn trong nhóm CBO (các tổ chức dựa vào cộng đồng) sẽ cùng triển khai hoạt động tiếp cận đối tượng nguy cơ, tư vấn điều trị PrEP để mang lại lợi ích thiết thực cho sinh viên.

Anh Nguyễn Viết Xuân Sang - Phó Bí thư Đoàn Trường đại học Thủ Dầu Một cho hay việc tư vấn để các bạn sinh viên có thể tự tin đi vào Phòng điều trị PrEP ở trường đại học tương đối nhạy cảm. Vì vậy, các thành viên sẽ cố gắng truyền thông cho các bạn trẻ để các bạn ý thức được việc dự phòng PrEP là điều bình thường, không còn nhạy cảm.

“Thông thường, một người MSM (quan hệ đồng giới) có khoảng 2,5 bạn tình, nguy cơ quan hệ tình dục trong nhóm MSM gây ra tình trạng lây nhiễm HIV rất cao. Chúng tôi mong muốn các bạn sinh viên coi việc điều trị PrEP rất bình thường để bảo vệ cho bản thân, cho cộng đồng,” Bí thư Đoàn Trường đại học Thủ Dầu Một nói.

Khống chế dịch HIV trong giới trẻ

Theo Bộ Y tế, hiện nay 72% ca nhiễm HIV mới được ghi nhận tại các tỉnh phía nam, trong đó riêng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm tới hơn 36%. Hình thái lây nhiễm đã chuyển dịch từ tiêm chích ma túy, mẹ lây truyền sang con, sang chiếm 70-90% lây nhiễm qua đường tình dục ở nam quan hệ đồng giới.

Là "điểm nóng" về dịch HIV vì là địa bàn có hơn 30 khu công nghiệp và 8 cụm công nghiệp với khoảng 1,3 triệu lao động, Bình Dương đang phải đối mặt với nhiều thách thức trong khống chế dịch HIV tại khu công nghiệp và trong giới trẻ.

Bác sỹ Vương Thế Linh - Trưởng khoa HIV/AIDS (Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương) cho biết Bình Dương là tỉnh có tới 70-80% trường hợp nhiễm HIV là công nhân trong các khu công nghiệp. Đáng lưu ý khi tỷ lệ sinh viên là nam quan hệ đồng giới được phát hiện nhiễm HIV, đưa vào điều trị phơi nhiễm đang tăng mạnh.

Theo số liệu từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Dương, đến cuối năm 2022, Bình Dương ghi nhận khoảng 835 ca nhiễm mới trong cộng đồng. Trong đó số lượng người nhiễm HIV là người ngoại tỉnh chiếm đến 77% và có đến 64% lây qua quan hệ tình dục đồng giới. Đáng lưu ý, số ca nhiễm mới trong năm 2022 tăng 25% so với 2021. Đây được xem là năm có số lượng ca nhiễm cao nhất của Bình Dương trong 10 năm qua (2012-2022).

Đáng lưu ý, nhóm người trẻ tuổi, đặc biệt là lao động di cư và học sinh-sinh viên đang là đối tượng có nguy cơ cao nhiễm HIV tại Bình Dương.

“Trong số ca nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới thì có đến 85% là đối tượng công nhân và học sinh/sinh viên. Đa số những đối tượng chưa biết cách bảo vệ phòng ngừa, không có thói quen sử dụng bao cao su, lại quan hệ với nhiều bạn tình nên nguy cơ lây nhiễm HIV rất cao. Một số MSM hiện nay có xu hướng rủ nhau cùng sử dụng ma túy rồi quan hệ tình dục không sử dụng biện pháp bảo vệ,” bác sỹ Linh nhấn mạnh.

Theo đánh giá từ Cục Phòng chống HIV/AIDS, điều đáng báo động, đó là sự trẻ hóa của độ tuổi nhiễm HIV, khi mà nhóm tuổi 15-25 chiếm đa số ca nhiễm mới. Điều này hồi chuông cảnh báo về việc thay đổi chiến lược can thiệp truyền thông và thay đổi hành vi cho nhóm đối tượng trẻ là rất cần thiết.

Chia sẻ gánh lo với nhân viên y tế

Bà Cao Thị Kim Thoa, Phó Trưởng phòng Dự phòng lây nhiễm HIV, Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin, 72% ca nhiễm HIV mới ghi nhận ở các tỉnh phía nam, trong đó chiếm tới 75-80% ca nhiễm bị ảnh hưởng bởi nhóm MSM.

Năm 2023 là năm thứ 4, hệ thống giám sát ca nhiễm mới ghi nhận đối tượng MSM chiếm tỷ lệ cao nhất trong số ca nhiễm HIV mới tại Việt Nam.

Bình Dương: Điểm nhấn mô hình dự phòng lây nhiễm HIV ở trường đại học ảnh 2(Ảnh: PV/Vietnam+)

Những năm qua, Cục Phòng, chống HIV/AIDS quan tâm đến nhóm đối tượng MSM tại trường học, khu công nghiệp vì hành vi tình dục không an toàn của nhóm này có nguy cơ dễ lây nhiễm HIV hơn. Cộng đồng MSM có hiện tượng nhiều bạn sử dụng chất kích thích khi quan hệ. Nhóm MSM đa bạn tình, có tần suất quan hệ tình dục nhiều lần với nhiều bạn tình nên khả năng lây nhiễm HIV rất cao.

Dự án Tăng cường hỗ trợ kỹ thuật phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam (EPIC) tài trợ bởi Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US.CDC) đã có một loạt các hỗ trợ về kỹ thuật, nhân sự, sinh phẩm... tập trung kiểm soát dịch ở nhóm MSM, ngăn chặn nguy cơ dịch HIV bùng phát ở nhóm đối tượng này.

Theo bác sỹ Vương Thế Linh, hiện toàn tỉnh Bình Dương có 7 cơ sở điều trị PrEP, 6 đơn vị lồng ghép điều trị ARV và một phòng khám tư nhân The Moon (cung cấp dịch vụ PrEP toàn thời gian).

Tại tỉnh Bình Dương, tỷ lệ đưa đối tượng nguy cơ cao vào điều trị Prep cũng tăng rất cao. Tỷ lệ điều trị PrEP lần 1 mới trong hơn 7 tháng đạt 2.193 ca, chiếm tỷ lệ 149,9% so với chỉ tiêu đặt ra là 1.648 ca. Số ca điều trị PrEP mới đặt ra chỉ tiêu năm 2023 là 800 ca nhưng đến nay mới qua nửa năm con số này đã lên tới 923 ca, đạt 122%.

Bác sỹ Vương Thế Linh, Khoa HIV/AIDS (CDC Bình Dương) cho hay, ngành y tế Bình Dương rất ủng hộ dự án thành lập cơ sở điều trị PrEP trong Trường đại học của Trường đại học Thủ Dầu Một. Những người tham gia dự án đều là cán bộ y tế có kinh nghiệm, có cánh tay nối dài là nhóm CBO Hạt giống, sẽ can thiệp được đúng đích nhóm đối tượng, góp phần giảm ca nhiễm HIV mới trong giới sinh viên. Khi phòng khám hoạt động được, việc hỗ trợ truyền thông, bám sát nhóm sinh viên 70.000 người cũng giúp làm bớt đi gánh lo nhân viên y tế./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục