Ngày 18/10, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Bình Dương sơ kết hoạt động đưa các trạm y tế lưu động đến gần dân, coi đây là một bước đột phá, phát huy hiệu quả phục vụ công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân COVID-19 trên địa bàn tỉnh, giúp họ tiếp cận y tế sớm, giảm tử vong, đặc biệt là chăm sóc F0 tại nhà, giảm gánh nặng cho ngành y tế...
Giải pháp đột phá
Theo báo cáo của Sở Y tế, trên địa bàn tỉnh đã thành lập 149 trạm y tế lưu động hoạt động tại hầu hết các phường, xã trên địa bàn tỉnh, trong đó có 26 trạm y tế lưu động trong các cụm công nghiệp và doanh nghiệp.
Đến nay, các trạm y tế lưu động đang theo dõi, chăm sóc tại nhà cho 4.230 ca F0; hướng dẫn, tư vấn sức khỏe cho 11.087 lượt người; cấp phát thuốc tại nhà cho 4.285 lượt người; tổ chức sơ cứu, chuyển viện cho 459 trường hợp nặng.
Ngoài ra, nhiệm vụ của các trạm y tế còn làm nhiệm vụ test xét nghiệm và tiêm ngừa vaccine 367.244 liều cho người dân địa phương.
Giám đốc Sở Y tế Bình Dương Nguyễn Hồng Chương đánh giá việc đưa các trạm y tế lưu động tại xã, phường, thị trấn là giải pháp đột phá, đạt hiệu quả cao, giúp người dân tiếp cận y tế ngay tại xã, phường, góp phần giảm gánh nặng cho các cơ sở điều trị COVID-19 tại tỉnh.
Qua đó, các trạm y tế hỗ trợ người nhiễm, người nghi nhiễm thông qua tư vấn từ xa đã giúp đối tượng cần hỗ trợ được tiếp cận với các thông tin chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ điều trị, chuyển tuyến, tiếp cận với dịch vụ y tế sớm, kịp thời, góp phần làm bệnh giảm diễn biến nặng và góp phần giảm các trường hợp tử vong.
Tuy nhiên, hiện nay việc tổ chức các trạm y tế thực hiện chưa đồng bộ. Một số biện pháp còn chưa sát với thực tiễn của từng vùng, từng địa bàn và chưa tính hết nhu cầu của người dân, khả năng đáp ứng tại chỗ của chính quyền.
[COVID-19: Bình Dương bỏ bắt buộc cách ly người từ nơi khác đến]
Một số nơi chưa thực hiện theo đúng quy định, hướng dẫn của các cơ quan quản lý cấp trên; chưa ứng xử thực sự đúng mực trong xử lý tình huống nảy sinh, gây bức xúc, thiếu thiện cảm của người dân với cán bộ y tế.
Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo, cho biết mô hình tổ chức trạm y tế hoạt động đạt hiệu quả cao, nhưng trong thời gian tới cần phải tăng cường đào tạo y tá điều dưỡng; tăng tốc thành lập, hoàn thiện hệ thống trạm y tế trong khu công nghiệp; xử lý F0 trong doanh nghiệp; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp có chỗ xử lý điều trị F0 tại nhà máy; triển khai để doanh nghiệp chủ động xét nghiệm với chi phí hợp lý.
Bí thư Tỉnh ủy Bình Dương Nguyễn Văn Lợi, Trưởng ban Chỉ đạo, yêu cầu từ nay đến ngày 30/10 phải hoàn thành đầy đủ 122 trạm y tế lưu động trong khu dân cư; 31 trạm và phòng khám tại khu, cụm công nghiệp; qua đó giúp mọi người dân được tiếp cận sớm nhất dịch vụ y tế trong điều kiện bình thường mới.
Thích ứng an toàn, linh hoạt
Tỉnh Bình Dương cũng vừa yêu cầu các huyện, thị thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ và Quyết định 4800 của Bộ Y tế; qua đó với tình hình thực tế của từng địa phương có kế hoạch thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 với lộ trình cụ thể, khả thi, tổ chức thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch bệnh phù hợp diễn biến dịch bệnh tại từng địa bàn.
Cụ thể, các huyện, thị xã, thành phố căn cứ hướng dẫn các tiêu chí, phương pháp đánh giá và xác định cấp độ dịch tại Quyết định 4800 của Bộ Y tế chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã xác định, đánh giá cấp độ dịch (cấp 1 - màu xanh, cấp 2 - màu vàng, cấp 3 - màu cam, cấp 4 - màu đỏ) đến tận khu phố, ấp, ngõ, hẻm; trên cơ sở đó đề ra các biện pháp hành chính tương ứng đảm bảo an toàn, linh hoạt, hiệu quả trong công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý của mình; đồng thời tăng cường đôn đốc, kiểm tra đến cấp cơ sở, chuẩn bị các điều kiện cần thiết để sẵn sàng đáp ứng nhanh khi tình hình dịch bệnh thay đổi.
Ngoài ra, phải chủ động phối hợp với chính quyền cấp xã giải quyết có hiệu quả những vấn đề xã hội bức xúc ngay tại cơ sở, tham gia tuyên truyền, vận động và giám sát việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch tại địa phương.
Bên cạnh đó, hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện cập nhật các thông tin, dữ liệu phục vụ việc xác định cấp độ dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế; đồng thời công bố, cập nhật cấp độ dịch tại các địa bàn và vùng cách ly y tế (phong tỏa) trên địa bàn tỉnh và các biện pháp áp dụng tương ứng trên Cổng thông tin COVID-19 và Bộ Y tế./.