Bình ổn giá cả trên thị trường khi điện tăng giá

Khâu kiểm soát việc tăng giá hàng hóa đang được yêu cầu tăng cường để tránh tình trạng “té nước theo mưa” khi xăng và điện tăng giá.
Việc giá xăng thêm 590 đồng/lít và từ ngày 1/3, giá điện sẽ tăng thêm 6,8% so với giá bình quân thực hiện năm 2009 đang khiến người tiêu dùng và doanh nghiệp lo lắng về việc thiết lập một bằng mới giá cả hàng hóa, dịch vụ .

Để tránh tình trạng “té nước theo mưa” khiến mặt bằng giá cả càng bị đẩy lên cao, Bộ Công Thương cho rằng các cơ quan chức năng cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhất là việc tăng giá từ các doanh nghiệp sản xuất tới doanh nghiệp lưu thông, phân phối hàng hóa trên thị trường.

Đặc biệt, ngành điện cũng cần phải có giải pháp giảm tổn thất điện năng ở khâu phân phối, truyền tải, tiêu thụ.

Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, đối với các doanh nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng như may mặc, da giày, thực phẩm... việc tăng giá điện, xăng dầu sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh về giá cả của hàng nội đối với hàng nhập khẩu.

Ngoài ra, không chỉ có ngành sản xuất mới chịu ảnh hưởng từ việc tăng giá xăng dầu, điện mà cả các doanh nghiệp thương mại cũng lâm vào tình trạng này.

Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng giám đốc siêu thị Big C Thăng Long cho biết trước Tết, Big C đã nhận được rất nhiều thông báo tăng giá từ các nhà cung cấp.

Ngay sau khi tăng giá xăng dầu, siêu thị lại tiếp tục nhận được thông báo điều chỉnh tăng giá từ một số nhà cung cấp khác với lý do giá vận chuyển tăng theo giá xăng.

Mới đây, hãng sữa Vinamilk đã tăng giá bán ở tất cả các loại sữa và sản phẩm từ sữa thêm 8%. Các công ty cung cấp nước giải khát như trà chanh các loại cũng cho biết sẽ áp dụng giá bán mới từ đầu tháng 3 với lý do tương tự.

Đáng chú ý là sau khi chương trình vay vốn ưu đãi để bình ổn hàng hóa trước và sau Tết Nguyên đán kết thúc rất có thể giá cả hàng hóa sẽ tăng từ 5-10% so với hiện nay./.

Uyên Hương (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục