Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an ninh năng lượng

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá cho rằng năm 2019, có thể kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3-3,5% nếu không có các yếu tố đột xuất.
Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an ninh năng lượng ảnh 1Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá chủ trì cuộc họp. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Ngày 27/9, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Điều hành giá, chủ trì phiên họp quý 3 của Ban Chỉ đạo, đánh giá tình hình thực hiện công tác chỉ đạo, điều hành giá 9 tháng năm 2019, bàn phương hướng các tháng cuối năm và định hướng năm 2020.

CPI bình quân 9 tháng tăng khoảng 2,52%

Báo cáo của Ban Chỉ đạo cho thấy, trong quý 3/2019 chỉ số giá tiêu dùng (CPI) so với tháng trước đều tăng, tháng 7 tăng 0,18%, tháng 8 tăng 0,28%, tháng 9 tăng 0,32%. Tuy nhiên, tốc độ tăng CPI trong quý III vẫn thấp hơn dự báo, từ đó tiếp tục tạo thêm dư địa cho việc điều hành lạm phát cả năm theo mục tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra.

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, CPI bình quân 9 tháng năm 2019 so với cùng kỳ năm 2018 tăng khoảng 2,52%, thấp nhất trong năm gần đây.

Nguyên nhân chủ yếu làm tăng CPI trong quý 3 năm 2019 là do một số mặt hàng tăng giá theo quy luật hàng năm và ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi, nguồn cung thịt lợn giảm làm cho giá lợn tăng. Giá dịch vụ y tế điều chỉnh tăng theo mức tăng thêm của lương cơ bản...

Lạm phát cơ bản 9 tháng năm 2019 ước tăng 1,91% so với cùng kỳ năm 2018. Giá xăng dầu trong nước từ đầu năm đến nay tăng từ 6,14-17,46%, thấp hơn mức tăng từ 8,6-23,7% của giá xăng dầu thành phẩm trên thị trường thế giới.

Hai phương án điều chỉnh giá dịch vụ BOT giao thông

Giá dịch vụ BOT đang được Bộ Giao thông Vận tải tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành để dự kiến trong tháng 10/2019 trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định đối với hai phương án.

Về triển khai thu phí không dừng tại các trạm thu phí BOT, hiện Bộ Giao thông Vận tải đang triển khai hệ thống giám sát độc lập về lưu lượng xe, doanh thu thu phí do Tổng cục Đường bộ Việt Nam quản lý, đã đưa vào vận hành ba trạm thu phí và dự kiến hoàn thành toàn bộ vào cuối năm 2019.

Bộ cũng triển khai nhiều giải pháp để phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, gian lận trong quản lý, hạch toán doanh thu của các dự án BOT.

Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết hiện nay cả nước có 94 hợp đồng BOT về giao thông (trung ương và địa phương). Giá BOT đang trong giai đoạn ổn định và theo hợp đồng từ nay đến năm 2021, nhưng trong quá trình vận hành, khai thác, một số dự án doanh thu không đạt phương án tài chính và chưa thực hiện theo lộ trình đã ký kết ban đầu. Theo lộ trình, đến năm 2017 sẽ tăng giá nhưng do có các giải pháp kiềm chế lạm phát nên đã hạn chế việc tăng giá.

Theo tính toán, hiện có khoảng 10 trạm doanh thu thu phí đạt dưới 80%, chưa đáp ứng phương án tài chính. Bộ Giao thông Vận tải kiến nghị trong lộ trình thu phí đưa ra hai kịch bản, kịch bản thứ nhất là từ nay đến năm 2021 có tăng hay không, tăng ở mức nào, đối tượng nào tăng; hai là không tăng thì đến năm 2022 tăng, sẽ ảnh hưởng đến việc cấp bù của ngân sách nhà nước trong các phương án tài chính.

Giảm hàng nghìn tỷ đồng qua đấu thầu thuốc

Về việc đấu thầu thuốc và đàm phán giá thuốc, Bộ Y tế đã hoàn thành công tác này, công bố năm 2018 và thực hiện cho năm 2019-2020.

Kết quả so với giá thuốc trúng thầu trung bình trước khi đấu thầu tập trung và đàm phán giá cấp quốc gia như sau: Đối với 25 hoạt chất (152 thuốc) đấu thầu tập trung, gói biệt dược gốc giảm bình quân 10% (745 tỷ đồng); gói generic giảm bình quân hơn 40% (1.549 tỷ đồng).

Đối với bốn nhóm thuốc đàm phán giá, giảm bình quân hơn 18% (giảm tương đương hơn 551 tỷ đồng). Tuy nhiên, việc giảm giá các mặt hàng này tác động đến CPI không nhiều vì phần lớn các thuốc này không nằm trong rổ hàng hóa tính CPI nhóm thuốc, dịch vụ y tế.

Báo cáo thêm, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam Phạm Lương Sơn cho biết cuối năm 2018, đầu năm 2019, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã tổ chức đấu thầu tập trung lần hai với 14 hoạt chất, tương đương với 102 thuốc. Kết quả khả quan, giảm bình quân 22,3%, tương ứng với 2.800 tỷ đồng; trong đó biệt dược gốc giảm bình quân 13,2%, tương ứng 611 tỷ, thuốc generic giảm 27,5%, tương ứng 2.300 tỷ đồng.

“Quan trọng là qua kết quả đấu thầu tập trung quốc gia, chúng tôi đã đề nghị Bảo hiểm xã hội các tỉnh đối chiếu giữa kết quả đấu thầu ở các địa phương, bệnh viện với kết quả đấu thầu thuốc tập trung để phát hiện những điểm bất hợp lý trong đấu thầu giá thuốc ở các địa phương, từ đó có phương hướng điều chỉnh," ông Phạm Lương nói.

Ông cho biết đang có xu hướng tích cực trong điều chỉnh giá thuốc, tiến tới sự hợp lý. Bảo hiểm xã hội đã chuẩn bị sẵn sàng đấu thầu thí điểm vật tư y tế khi có chỉ đạo của Chính phủ bằng cách thông qua phân tích dữ liệu để xác định những nhóm vật tư y tế có dải giá rộng, số lượng sử dụng lớn, từ đó đề xuất đấu thầu tập trung quốc gia. 

Điều hành giá xăng dầu theo giá thị trường nhưng đảm bảo không gây “sốc”

Báo cáo về tình hình biến động giá xăng dầu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết 9 tháng năm 2019, diễn biến mặt hàng này khá phức tạp. Sau vụ máy bay không người lái tấn công vào kho xăng dầu ở Saudi Arabia ngày 14/9, hai ngày sau đó, giá dầu thô trên thế giới tăng vọt, tới 10,39 USD/thùng so với ngày trước (tăng 15,3%), là mức tăng cao nhất trong vòng 7-8 năm gần đây.

Trong thời gian tới, giá xăng dầu sẽ tăng; Bộ Tài chính và Bộ Công Thương sẽ phối hợp điều hành theo giá thị trường nhưng vẫn đảm bảo không sốc, không tác động quá lớn với sản xuất kinh doanh và người tiêu dùng.

Về công tác đảm bảo nguồn cung xăng dầu, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải cho biết đã có văn bản và trực tiếp chỉ đạo các đầu mối xăng dầu nhập khẩu có kế hoạch đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong nước cho sản xuất kinh doanh và cho tiêu dùng.

Đánh giá kỹ cung, cầu thịt lợn

Còn theo Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Việt, giá trị sản xuất của thủy sản và trồng trọt tăng đã góp phần bình ổn giá khi có dịch tả lợn châu Phi. Với ngành chăn nuôi, đến nay tổng đàn lợn giảm đến 17-18% nhưng về sản lượng và giá trị chỉ giảm 9%, trong khi đó, sản lượng trâu, bò, sữa, gia cầm, trứng đều tăng.

Nhìn vào cơ cấu trong chăn nuôi thì lợn giảm nhưng các loại chăn nuôi khác tăng nên bù đắp được, không ảnh hưởng đến giá cả.

Trong 3 tháng tới, có khả năng thiếu nguồn cung từ lợn nhưng không nhiều, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự đoán chỉ thiếu hụt 4-5%, tức trên dưới 200.000 tấn thịt lợn. Giá thịt có khả năng tăng nhưng không tăng cao vì từ nay đến cuối năm, không có xuất chính ngạch mà chỉ có tiểu ngạch và qua con đường này sẽ rất ít. Đây là cơ hội để bình ổn giá trong nước.

Để giảm thiếu hụt, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, phải kiềm chế dịch tả lợn châu Phi, dịch lở mồm long móng, cúm gia cầm; thúc đẩy sản xuất trong chăn nuôi, tăng sản lượng gia cầm từ 13,5% - 15% để bù đắp, tăng đàn trâu, bò, sữa. Mức độ tăng vừa phải như hiện nay sẽ đảm bảo được giá cũng như thị trường, sẽ giảm áp lực về giá và thiếu hụt đối với lợn.

Bày tỏ lo lắng về vấn đề này, cho rằng đã có thời kỳ “liểng xiểng” vì giá thịt lợn tăng đến hơn 50.000 đồng/kg thịt hơi, quý 3/2019, giá thịt lợn bắt đầu tăng, trong đó giá thịt lợn tháng 9 tăng 2,78% so với tháng trước, tác động đến CPI chung 0,12%, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tính toán, đánh giá thận trọng hơn, có kịch bản rất chi tiết, bởi hiện nay Trung Quốc đang lo khủng hoảng thịt lợn vì thiếu hụt đến 20 triệu tấn, tình trạng gom thịt lợn của Việt Nam xuất sang Trung Quốc bắt đầu gia tăng.

“Phải tính toán kỹ cung, cầu của từng tháng, không chỉ áng chừng bảo là giá sẽ tăng khoảng 2-3%, không có căn cứ. Tổng cung cầu thiếu hụt thế nào, tháng nào cao điểm nhất, cần tính toán kỹ và Bộ phải chịu trách nhiệm. Không đơn thuần lấy thịt trâu, bò, gia cầm để thay cho thịt lợn được. Với người châu Á nói chung, thịt lợn là mặt hàng thực phẩm quan trọng… Việc tăng đàn trâu, bò, gia cầm, sản phẩm khác chỉ là bù cho thiếu hụt và bù giảm mức tăng trưởng GDP, còn nói bù cho cung cầu là phải đánh giá thận trọng hơn," Phó Thủ tướng nêu rõ.

Đánh giá cao hoạt động của tổ giúp việc cho Ban Chỉ đạo cũng như cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo là Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng hiệu lực của công tác điều hành giá tốt hơn, minh chứng bằng con số cụ thể về chỉ số CPI 9 tháng tăng 2,52%, thấp nhất so với bình quân cùng kỳ vài năm trở lại đây. Nguyên nhân là do các bộ, ngành đã thực hiện nghiêm túc các kết luận của Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá, cơ chế phối hợp, công tác thông tin truyền thông tốt hơn.

[Dự trữ hàng hóa phục vụ Tết để ngăn tình trạng khan hàng, sốt giá]

Phó Thủ tướng cho rằng năm 2019, có thể kiểm soát lạm phát trong khoảng từ 3,3-3,5% nếu không có các yếu tố đột xuất.

Về giải pháp trong quý 4/2019, Phó Thủ tướng nêu rõ các bộ, ngành, địa phương tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường cung, cầu để có giải pháp ổn định thị trường giá cả, nhất là một số mặt hàng thiết yếu, có giải pháp điều hành phù hợp và chủ động nguồn hàng cuối năm, trong dịp Tết dương lịch, Noel và Tết Nguyên đán.

Bộ Công Thương cần chủ động điều hành sản xuất, phân phối các nguồn hàng, thích ứng trong điều kiện cạnh tranh cọ xát về thương mại giữa các nước lớn như hiện nay; có giải pháp tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu, kiểm soát nhập khẩu để cân đối chỉ số giá và cán cân thanh toán, cán cân vốn, vãng lai nói chung.

Bình ổn giá các mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an ninh năng lượng ảnh 2Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ trao tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho các tập thể có thành tích xuất sắc đột xuất trong công tác điều hành giá năm 2018. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Trong điều kiện dư địa lạm phát có thuận lợi, các bộ, ngành cần tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với các mặt hàng dịch vụ thiết yếu do Nhà nước đang bình ổn giá, chủ động tính toán, lựa chọn mức độ, thời điểm phù hợp để điều chỉnh, báo cáo kịp thời Ban Chỉ đạo.

Các bộ, ngành tiếp tục công tác kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định pháp luật về giá, kiểm soát chặt chẽ các yếu tố hình thành giá với các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá mua sắm từ ngân sách nhà nước; hàng hóa, dịch vụ công ích, dịch vụ sự nghiệp công; tranh tra, kiểm tra thương mại biên giới, không loại trừ trường hợp thịt lợn được gom đi xuất tiểu ngạch, tác động đến thị trường trong nước.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ lưu ý Ủy ban Nhân dân các địa phương cần nắm rõ thông tin nguồn cung, cầu, sớm có kế hoạch tạo nguồn hàng, dự trữ bình ổn thị trường các mặt hàng thiết yếu nói chung và mặt hàng thịt lợn nói riêng.

Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu chặt chẽ theo giá trị trường, đảm bảo an ninh năng lượng lên hàng đầu, đảm bảo nguồn cung đầy đủ. Bộ Giao thông Vận tải sớm báo cáo Chính phủ về việc điều chỉnh giá dịch vụ BOT, có giải pháp giảm chi phí logistics.

Ghi nhận kết quả đấu thầu thuốc tập trung qua hai kênh Bộ Y tế và Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã làm giảm giá thuốc rất nhiều, Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ sẽ giao cho Bảo hiểm xã hội một kênh để đối chiếu kênh đấu thầu vật tư thiết bị y tế, không để cùng một loại stent mỗi nơi một giá, làm cho mệnh giá y tế nhà nước và người dân đồng chi trả tăng lên.

Theo Phó Thủ tướng, việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế bước 3 là kết cấu chi phí quản lý vào giá dịch vụ dự kiến tháng 11/2019 mới được áp dụng, còn bước 4 sẽ phải lùi lại, vì khi tính cả khấu hao sẽ phải điều chỉnh mệnh giá về bảo hiểm y tế. Nếu cân đối được ngân sách để tăng mệnh giá bảo hiểm y tế thì có thể điều chỉnh được bước 4 trong nhiệm kỳ này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục