Bình Phước dành 173ha đất để xây nhà ở xã hội cho 40.000 công nhân đang làm việc tại các khu, cụm công nghiệp.
Đây là nội dung kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước về phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030 vừa được ban hành.
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bình Phước, thời gian qua việc phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn đã được triển khai thực hiện và đạt được một số kết quả, nhưng thực tế còn nhiều hạn chế, bất cập, đặc biệt là chưa quan tâm đến phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.
Để đáp ứng nhu cầu của các nhóm đối tượng nhà ở xã hội nói chung, đặc biệt là đối với công nhân nói riêng, cần phải triển khai mạnh mẽ các giải pháp, góp phần tăng sức hút đối với lao động, phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên địa bàn tỉnh.
Tỉnh ủy Bình Phước cho rằng việc phát triển nhà ở xã hội, đặc biệt cho công nhân là nhiệm vụ cấp bách để giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là giải pháp quan trọng để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đảm bảo mục tiêu phát triển toàn diện, vững chắc theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2021-2025.
[Phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vẫn hạn chế so với nhu cầu]
Mục tiêu đến năm 2025, tỉnh Bình Phước sẽ giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho 44.000 người thuộc các nhóm đối tượng thụ hưởng (chiếm khoảng 44% tổng nhu cầu). Trong đó, có khoảng 40.000 người thuộc nhóm đối tượng là công nhân và 4.000 người thuộc các nhóm còn lại.
Định hướng đến năm 2030 giải quyết nhu cầu nhà ở xã hội cho 133.000 người; trong đó khoảng 123.000 người thuộc nhóm đối tượng công nhân và 10.000 người thuộc các nhóm còn lại.
Để làm tốt công tác quy hoạch nhà ở xã hội, đặc biệt là nhà ở xã hội cho công nhân, Tỉnh ủy Bình Phước kiến nghị quy hoạch khoảng 173ha diện tích đất để xây dựng nhà ở xã hội; ưu tiên phát triển nhà ở xã hội ở những nơi có quy hoạch nhiều khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế như huyện Chơn Thành, Đồng Phú, Hớn Quản, Phú Riềng, Lộc Ninh, thị xã Bình Long.
Đảm bảo việc thành lập và xây dựng mới các khu công nghiệp phải dành quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội, thiết chế công đoàn, đảm bảo đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ công nhân trong các khu công nghiệp.
Đối với các khu công nghiệp trên địa bàn chưa bố trí quỹ đất để xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, Ủy ban Nhân dân tỉnh chỉ đạo các đơn vị lập quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội cho công nhân tại các khu công nghiệp.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước cho biết hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 khu công nghiệp, 1 khu kinh tế với hơn 61.000 lao động trong nước và 1.156 lao động nước ngoài. Thu nhập tiền lương bình quân của người lao động năm 2020 khu vực FDI (vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài) khoảng từ 5,5-6,7 triệu đồng/người/tháng (thấp hơn mức bình quân cả nước là 6,8 đến 7 triệu đồng)./.