Ngày 20/8, tại thị xã Phước Long, Hội điều Bình Phước tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn trong quá trình sản xuất, chế biến hạt điều với sự tham gia của hơn 150 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Hội nghị nhằm nâng cao kiến thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn trong lao động, sản xuất, phòng cháy, chữa cháy cho chủ doanh nghiệp, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất số vụ cũng như thiệt hại do tai nạn, cháy, nổ gây ra tại các doanh nghiệp, cơ sở.
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước Trần Tuệ Hiền cũng đã ban hành công văn 3296 ngày 14/8/2024 về “tổ chức hội nghị tuyên truyền, hướng dẫn về an toàn trong quá trình sản xuất.”
Theo đó, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước yêu cầu Công an tỉnh hướng dẫn, tuyên truyền về an toàn lao động, sản xuất, phòng cháy, chữa cháy; trực tiếp hướng dẫn, tuyên truyền về công tác phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Sở Công Thương hướng dẫn, tuyên truyền về kiến thức an toàn trong quá trình sản xuất, an toàn điện. Còn Sở Lao động-Thương binh và Xã hội hướng dẫn, tuyên truyền về kiến thức an toàn thuộc lĩnh vực an toàn lao động.
Tại hội nghị, ông Ngô Minh Trường, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Sản xuất Dịch vụ Ngọc Châu cho biết ông tham gia hội nghị với mục đích nhằm nâng cao kiến thức trong cách vận hành máy móc trong lao động.
Hội nghị giúp cho các thành viên tham dự hiểu rõ hơn về các thiết bị lò hơi, máy nén khí, xe nâng để thực hiện tốt công tác phòng cháy, nổ, đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất và kinh doanh.
Còn anh Nguyễn Đình Phi, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lan Đoàn phấn khởi cho biết, hội nghị tổ chức rất bổ ích với nhiều nội dung về an toàn trong lao động; trong đó, có công tác phòng cháy, nổ.
Đây là dịp để bản thân tôi cũng như mọi người trong ngành phải có ý thức hơn trong việc chấp hành nghiêm pháp luật về an toàn lao động.
Theo Chủ tịch Hội điều Bình Phước Vũ Thái Sơn, hiện trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều nhà máy sản xuất điều chưa nắm rõ được các quy định. Công nhân vận hành các thiết bị như lò hơi, máy nén khí, xe nâng… phải được đào tạo và cấp chứng chỉ hành nghề bởi các đơn vị có chức năng, chuyên môn.
Nếu không đáp ứng được yêu cầu này, khi xảy ra tai nạn lao động thì chủ doanh nghiệp sẽ bị quy kết trách nhiệm pháp lý. Thông qua lý thuyết và thực hành thực tế tạo cơ hội giúp các hội viên, doanh nghiệp ngành điều nhanh chóng đáp ứng yêu cầu về đào tạo cho công nhân vận hành các thiết bị lò hơi, máy nén khí, xe nâng…
Bình Phước là địa phương có số lượng doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều lớn nhất cả nước với hơn 500 doanh nghiệp, cơ sở theo các quy mô khác nhau. Thời gian qua, các cơ quan chức năng của tỉnh đã thực hiện việc quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đối với ngành chế biến hạt điều.
Các doanh nghiệp, cơ sở đã có sự quan tâm đến công tác đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh, duy trì việc làm cho người lao động, đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của địa phương.
Tuy nhiên, thời gian gần đây đã xảy ra một số vụ tai nạn lao động, cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số doanh nghiệp, cơ sở chế biến hạt điều.
Báo cáo ban đầu của cơ quan chức năng cho thấy, công tác đảm bảo an toàn lao động, phòng cháy, chữa cháy tại doanh nghiệp, cơ sở còn có những hạn chế nhất định.
Nguyên nhân chủ yếu là do yếu tố chủ quan như nhận thức của người lao động và người sử dụng lao động về công tác đảm bảo an toàn trong quá trình sản xuất, kinh doanh chưa đầy đủ, còn chủ quan, lơ là; công tác tự kiểm tra, duy trì các yêu cầu, điều kiện về an toàn lao động, phòng, chống cháy, nổ của chủ doanh nghiệp, cơ sở chưa được quan tâm đúng mức; chưa phát huy tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong công tác phòng cháy, chữa cháy.../.
Hội Điều Bình Phước "cầu cứu" lãnh đạo tỉnh về tình trạng hạt điều giả mạo
Thời gian qua, trên một số website và facebook có nhiều tên miền, tài khoản, cơ sở nhỏ lẻ đăng sản phẩm thương hiệu "Đặc sản Bình Phước" để bán các sản phẩm hạt điều kém chất lượng.