Binh sĩ bị ném đá đến chết vì “ăn cơm trước kẻng”

Một binh sĩ Pakistan đã bị ném đá đến chết ở khu vực bộ lạc tây bắc Pakistan do người này bị cáo buộc quan hệ với một cô gái trẻ.
Một binh sĩ Pakistan đã bị ném đá đến chết ở khu vực bộ lạc nhiều bất ổn tây bắc Pakistan do người này bị cáo buộc quan hệ với một cô gái trẻ. Hội đồng bộ lạc ở thị trấn Parachinar, thuộc quận Kurram gần Afghanistan, đã tuyên Anwar-ud Din, khoảng 25 tuổi, bị ném đá đến chết vì “các quan hệ đồi bại” với một cô gái địa phương. “Có khoảng 40-50 người ném đá người này cho tới chết,” một thành viên bộ lạc giấu tên nói với AFP. Quan hệ giữa nam giới và phụ nữ chưa có sự cho phép của gia đình bị coi là suy đồi ở nhiều vùng tại Pakistan, nhất là khu vực các bộ lạc còn rất bảo thủ ở tây bắc đất nước, nơi những tay súng có liên hệ với Taliban và Al Qaeda vẫn còn hoạt động mạnh. Hàng trăm người đã bị sát hại ở nước này mỗi năm với lý do bảo vệ danh dự cho các gia tộc, nhưng các vụ ném đá là rất hiếm. Din bị cáo buộc có quan hệ với một cô gái 18 tuổi và gặp cô bí mật, nhưng cả hai bị bắt quả tang ở một nghĩa trang vào ngày Chủ nhật, nguồn tin của AFP cho biết. Binh sĩ này thừa nhận đã gặp người yêu ba lần hoặc hơn trước đó và hình phạt được thực thi ngày thứ Ba ở chính khu nghĩa địa nơi họ hẹn hò. Thi thể Din sau đó đã được đưa tới bệnh viện. Chính quyền và các quan chức an ninh địa phương xác nhận sự kiện này, nhưng từ chối bình luận. Hiện chưa rõ số phận cô gái ra sao, nhưng có những tin đồn trong vùng rằng cô cũng có thể bị hành quyết, dù cô chối không có hò hẹn anh lính. Một quan chức bệnh viện xác nhận họ đã nhận được một thi thể bị biến dạng nghiêm trọng vào ngày thứ Ba và sau đó đã được lực lượng bán vũ trang ở địa phương đưa đi. “Đó là một cảnh tượng kinh hoàng. Thi thể bị hủy hoại và tan nát vì những hòn đá. Những vết thương ở khắp nơi và khuôn mặt không còn nhận ra được,” quan chức này nói.
Binh sĩ bị ném đá đến chết vì “ăn cơm trước kẻng” ảnh 1
Khu vực giáp giới giữa Pakistan và Afghanistan còn vô cùng bất ổn (Nguồn: AFP)
Một số quận Pakistan nơi người dân sống thành các bộ lạc giáp biên giới Afghanistan không có các hệ thống tư pháp thông thường mà công lý được thực thi thông qua những hội đồng trưởng lão bộ lạc chủ yếu dựa vào tập tục Hồi giáo./.
Trần Trọng (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục