Bộ Công Thương lý giải sự sụt giảm xuất khẩu một số ngành mũi nhọn

Để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.
Bộ Công Thương lý giải sự sụt giảm xuất khẩu một số ngành mũi nhọn ảnh 1Tăng kết nối để doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi cũng ứng của doanh nghiệp FDI. (Ảnh: Đức Duy/Viẹtnam+)

Theo Bộ Công Thương, mặc dù các ngành sản xuất đang bước vào giai đoạn phục hồi tích cực, sản lượng và đơn hàng mới nhóm công nghiệp chế biến chế tạo đang tăng trở lại, sản xuất đáp ứng nhu cầu của thị trường nội địa và xuất khẩu nhưng nhìn chung ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm.

Thiếu nguồn lực, công nghệ để đổi mới

Thống kê trong quý 3/2023, tăng trưởng tích cực hơn quý trước, tốc độ tăng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp ước đạt 4,57% so với cùng kỳ năm trước. Tuy vậy, tính chung 9 tháng năm 2023, giá trị tăng thêm ngành công nghiệp chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%.

Theo đại diện Bộ Công Thương, mức tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 , đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

[Chứng chỉ khí thải CBAM: Cơ hội để bứt phá trong chuỗi giá trị mới]

Riêng công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98% cũng là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023 , đóng góp 0,51 điểm phần trăm. Trong bối cảnh nhiều khó khăn từ suy giảm kinh tế toàn cầu, đặc biệt là từ những tháng đầu năm đã ảnh hưởng đến kết quả sản xuất công nghiệp trong nước.

Dẫn thêm số liệu, theo đại diện Bộ Công Thương, chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam do Công ty tổ chức Tư vấn Tài chính và Công nghệ Thông tin có trụ sở tại Mỹ (S&P Global) đạt 49,7 trong tháng 9, giảm trở lại xuống dưới mốc 50 điểm sau khi đạt trên 50,5 điểm trong tháng 8, cho thấy các điều kiện kinh doanh của các nhà sản xuất Việt Nam suy giảm, mặc dù mức suy giảm là nhỏ.

Về lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, đại diện Bộ Công Thương thông tin thêm, xuất khẩu các mặt hàng linh kiện và phụ tùng vẫn chủ yếu thuộc khối doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); các tập đoàn đa quốc gia đang đóng vai trò chủ đạo, đặc biệt là các tập đoàn của Hàn Quốc, Nhật Bản… trong lĩnh vực sản xuất linh kiện điện tử.

Mặt khác, liên kết giữa doanh nghiệp FDI/tập đoàn đa quốc gia và doanh nghiệp nội địa còn lỏng lẻo. Phần lớn là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam là doanh nghiệp nhỏ và vừa, năng lực còn hạn chế. Dung lượng thị trường trong nước còn nhỏ, chưa đảm bảo quy mô công suất sản xuất kinh tế đối với sản phẩm công nghiệp hỗ trợ; thiếu các doanh nghiệp dẫn đầu tầm cỡ khu vực và quốc tế nhằm đóng vai trò dẫn dắt nhằm tạo hệ sinh thái phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp thiếu nguồn lực và công nghệ để đổi mới, nâng cao nâng lực sản xuất và áp dụng công nghệ, quy trình sản xuất sạch và thân thiện với môi trường…

Đánh giá của ông Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho thấy, mặc dù những năm gần đây công nghiệp hỗ trợ Việt Nam phát triển khá tốt về số lượng, nhưng chất lượng chưa cao.

"Doanh nghiệp nội chủ yếu tham gia vào chuỗi giá trị xuất khẩu và chuỗi giá trị hàng hóa của các doanh nghiệp FDI ở phân khúc công nghệ trung bình và thấp, chưa có phân khúc công nghệ cao," ông nói.

Bộ Công Thương lý giải sự sụt giảm xuất khẩu một số ngành mũi nhọn ảnh 2Hiệp có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Theo thống kê của Bộ Công Thương, số lượng doanh nghiệp tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 doanh nghiệp; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 doanh nghiệp, trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 doanh nghiệp là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí - ôtô, hiện có khoảng 12 doanh nghiệp tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Tăng lợi thế và sức cạnh tranh

Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, do vậy, những khó khăn của kinh tế toàn cầu cũng tác động ngược trở lại tới hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam. Điều này thể hiện rõ nét ở nhóm hàng công nghiệp chế biến (chiếm 84,8% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước), trong 9 tháng đã giảm 9,6% so với cùng kỳ.

Nguyên nhân của sự suy giảm này theo đánh giá của Bộ Công Thương là do các nền kinh tế lớn là đối tác xuất khẩu của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU giảm chi tiêu mua sắm các sản phẩm thông thường và xa xỉ khiến khối lượng đơn đặt hàng giảm.

Trong khi đó, các ngành sản xuất công nghiệp trong nước chủ yếu hướng vào xuất khẩu, phụ thuộc lớn vào thị trường toàn cầu do sản lượng sản xuất trong nước vượt xa nhu cầu của thị trường nội địa, đặc biệt là đối với các ngành hàng như dệt may, da giày, điện tử… chỉ cung ứng cho nhu cầu nội địa 10% sản lượng, 90% sản lượng còn lại là để xuất khẩu.

Trước tình hình hiện nay, đại diện Bộ Công Thương cho biết cơ quan này sẽ tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển sản xuất trên cơ sở bám sát tình hình sản xuất của các ngành, lĩnh vực, một số địa phương trọng điểm về công nghiệp, kịp thời nắm bắt tháo gỡ khó khăn thúc đẩy phát triển sản xuất.

Cùng với đó, Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh kết nối các doanh nghiệp trong nước tham gia được vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI lớn toàn cầu đang đầu tư tại Việt Nam.

Bộ Công Thương lý giải sự sụt giảm xuất khẩu một số ngành mũi nhọn ảnh 3Xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tại cảng phía Bắc. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Đối với lĩnh vực công nghiệp, theo ông Phạm Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp, Bộ Công Thương đã phối hợp rất chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức quốc tế và các doanh nghiệp như Samsung, Toyota để hỗ trợ cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam nâng cao năng lực cũng như kết nối các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng với nhau.

Riêng đối với việc mở rộng thị trường, ngoài xúc tiến đầu tư, Cục Công nghiệp sẽ phối hợp với các bộ, ngành để xây dựng các khu, cụm công nghiệp liên kết ngành và khu vực liên kết ngành.

“Làm sao có một doanh nghiệp đầu đàn đầu tư vào kéo theo các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, từ đó giảm giá thành của sản phẩm, tăng lợi thế của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ,” ông Phạm Anh Tuấn cho hay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục