Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 660 tỷ USD

Đại diện Bộ Công Thương cho biết kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam năm 2021 có thể đạt con số 660 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020 và xuất siêu khoảng 2,1 tỷ USD.
Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 660 tỷ USD ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu Việt Nam 2021. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Năm 2021, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước tiếp tục duy trì tăng trưởng ở mức 2 con số và giữ xuất siêu. Kết quả trên có sự đóng góp không nhỏ của công tác xúc tiến xuất khẩu.

Đây là thông tin được đưa ra tại Diễn đàn Xúc tiến xuất khẩu năm 2021 do Bộ Công Thương tổ chức ngày 15/12, tại Hà Nội.

Dự kiến 37 nhóm hàng đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD

Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy tính đến hết tháng 11/2021, tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 602 tỷ USD, tăng 22,8% so với cùng kỳ.

Ước tính cả năm 2021, kim ngạch xuất-nhập khẩu của Việt Nam có thể đạt con số  660,1 tỷ USD, tăng 21% so với năm 2020; trong đó xuất khẩu ước đạt 331,1 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020 và nhập khẩu ước đạt 329 tỷ USD, tăng 25,2% so với năm 2020.

Như vậy, cán cân thương mại năm 2021 tiếp tục xuất siêu với con số khoảng 2,1 tỷ USD, tăng 0,64% so với năm 2020.

[Vietnam Foodexpo: Giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường hiệu quả]

Cũng theo đại diện Bộ Công Thương, dự kiến năm nay có 37 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, tăng 4 nhóm ngành so với năm 2020.

Cùng với đó, cơ cấu xuất khẩu chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng các sản phẩm công nghiệp chế biến. Đây cũng là nhóm hàng có tỷ trọng tăng nhanh nhất trong cơ cấu hàng xuất khẩu, là nhân tố quyết định tạo nên bứt phá về kim ngạch xuất khẩu cũng như cán cân thương mại thặng dư; dự kiến năm 2021, tỷ trọng đạt 86,1%.

Ngoài ra, nhóm hàng nông, lâm, thủy sản cũng có tỷ trọng giảm đều qua các năm (dự kiến năm 2021 tỷ trọng đạt 8,4%). Tỷ trọng nhóm hàng nhiên liệu khoáng sản, nhóm hàng có lợi thế về tài nguyên nhưng hạn chế về nguồn cung giảm mạnh.

“Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu phục vụ lắp đặt thiết bị dây chuyền công nghệ và làm nguyên liệu đầu vào cho sản xuất, đặc biệt là sản xuất hàng xuất khẩu,” đại diện Bộ Công Thương thông tin.

Để đạt được kết quả trên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Khánh, cùng với sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành, chính quyền địa phương và nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp thì hoạt động xúc tiến thương mại đã chuyển đổi mạnh mẽ, hỗ trợ tích cực cho sản xuất và xuất khẩu.

“Trong điều kiện hết sức khó khăn do tác động của COVID-19, các bộ, ngành, địa phương hiệp hội đã nỗ lực nghiên cứu, ban hành kịp thời cơ chế hỗ trợ xúc tiến thương mại, nhân rộng các mô hình, phương thức xúc tiến thương mại mới dựa trên việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số... được cộng đồng doanh nghiệp ghi nhận đánh giá cao,” Thứ trưởng Trần Quốc Khánh nói.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Thực tế cho thấy trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, việc áp dụng các phiên giao thương trực tuyến với đối tác xuất nhập khẩu đã trở thành một giải pháp hữu hiệu, giúp cho việc kết nối với khách hàng vẫn được duy trì thường xuyên liên tục.

Thông tin thêm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho hay năm 2021, Bộ Công Thương trực tiếp triển khai, hướng dẫn, phối hợp các địa phương tổ chức trên 1.000 hội nghị trực tuyến hoặc kết hợp trực tiếp và trực tuyến trên cả nước, cùng hàng triệu phiên giao thương trực tuyến, hỗ trợ hàng triệu lượt doanh nghiệp thực hiện xúc tiến thương mại trực tuyến. Bên cạnh đó, việc tham gia hoặc tổ chức các hội chợ, triển lãm trong nước và quốc tế cũng được Bộ Công Thương tổ chức trên môi trường số.

Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu có thể vượt 660 tỷ USD ảnh 2Diễn đàn xúc tiến xuất khẩu nhằm nhận định các cơ hội thị trường, trao đổi về nhu cầu hỗ trợ xúc tiến thương mại của doanh nghiệp... (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Kết quả của hoạt động xúc tiến thương mại trên môi trường số đã giúp doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam tiết kiệm chi phí, tăng tốc độ, rút ngắn khoảng cách và thời gian, đồng thời tăng phạm vi và số lượng tiếp cận thị trường, khách hàng tiềm năng, qua đó đóng góp vào thành tích xuất khẩu tích cực của cả nước trong 2 năm qua.

“Xúc tiến thương mại trên môi trường số đã trở thành giải pháp có hiệu quả để hỗ trợ doanh nghiệp kết nối với thị trường trong bối cảnh dịch bệnh đồng thời cũng là một phương thức trong thời gian tới phù hợp với tiến trình chuyển đổi số quốc gia và xu thế thương mại quốc tế,” ông Vũ Bá Phú nói.

Hơn nữa, việc xúc tiến xuất khẩu cũng giúp các doanh nghiệp có thể tận dụng tối đa lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) được ký kết.

Ông Bartosz Cieleszynsky, Bí thư Thứ Nhất, Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam cho rằng Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực từ tháng 8/2020 đã trở thành một công cụ quan trọng trong việc hỗ trợ liên kết thương mại song phương của hai nền kinh tế.

“Một năm thực hiện EVFTA đã chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này và đây cũng có thể coi là một công cụ quan trọng giúp các nhà xuất khẩu từ châu Âu và Việt Nam vượt qua những trở ngại do sự bùng phát của COVID-19 và gián đoạn cung ứng toàn cầu,” ông Bartosz Cieleszynsky nói.

Tuy vậy, Phó Ban Thương mại Phái đoàn EU tại Việt Nam lưu ý thị trường 500 triệu dân của châu Âu rất có tiềm năng nhưng có những đòi hỏi khắt khe về tính tuân thủ người tiêu dùng sẵn sàng trả nhiều tiền hơn cho các sản phẩm chất lượng. Do vậy, ông cũng kêu gọi các doanh nghiệp chủ động hơn và thích ứng với thị trường mới để có thể biến thách thức thành cơ hội.

Trong khi đó, tiến sỹ Trần Thị Hồng Minh, Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cho rằng Việt Nam đã tham gia vào các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP, EVFTA… với các tiêu chuẩn cao của các thị trường về hàng hóa xuất khẩu, vì vậy, cũng cần “xanh hóa” để cải thiện hiệu quả xúc tiến thương mại, từ đó thúc đẩy xuất khẩu trong bối cảnh mới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục