Bộ Công Thương: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu sẽ vượt 500 tỷ USD

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, dự báo 2019 sẽ là năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam với thặng dư thương mại ở mức cao.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại buổi họp báo do Bộ Công Thương tổ chức. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Mặc dù tổng cầu trên thị trường thế giới suy giảm song dự báo tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ vượt mốc 500 tỷ USD vào nửa sau tháng 12/2019.

Đây là thông tin đưa ra tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ Công Thương tổ chức ngày 12/12, tại Hà Nội.

[Hỗ trợ từ nhóm hàng chủ lực, xuất khẩu hoàn thành 91,8% kế hoạch]

Cụ thể hơn, theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, hết 11 tháng, xuất khẩu tiếp tục duy trì mức tăng trưởng xấp xỉ 8% và đạt chỉ tiêu Quốc hội giao (từ 7-8%), trong khi nhập khẩu cũng có mức tăng 6,6% so với cùng kỳ.

Như vậy, sau 11 tháng, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam đã đạt 472 tỷ USD, gần bằng cả năm 2018 (ở mức 480,17 tỷ USD).

Bên cạnh đó, quy mô xuất khẩu được mở rộng. Thống kê cho thấy, hết 11 tháng có 32 mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD, 8 mặt hàng vượt 5 tỷ USD.

Quan trọng hơn, khối doanh nghiệp trong nước tiếp tục là điểm sáng với mức tăng 18,1%, cao gấp 2 lần tốc độ tăng trưởng chung của cả nước và tăng gấp 5 lần tốc độ tăng trưởng của khối doanh nghiệp FDI.

"Nỗ lực trước hết là của các doanh nghiệp vì đã tạo ra các mặt hàng có thể xuất khẩu đạt giá trị cao," ông Hải nói.

Còn theo bà Nguyễn Cẩm Trang, Phó Cục trưởng Cục xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại để đẩy mạnh kim ngạch thương mại của Việt Nam.

Tính đến nay, Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 hiệp định thương mại tự do (FTA), trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt hơn các cơ hội do các FTA đem lại. Tổng kim ngạch sử dụng C/O ưu đãi chiếm khoảng 38% tổng kim ngạch xuất khẩu sang các thị trường đối tác FTA. Đặc biệt, một số thị trường mới trong CPTPP có mức tăng tốt ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực như sang Canada, Mexico.

Với kết quả này, dự báo 2019 sẽ là năm thứ 4 xuất siêu liên tiếp của Việt Nam với thặng dư thương mại ở mức cao. Nếu như năm 2016 xuất siêu 2,68 tỷ USD, năm 2017 đạt 2,7 tỷ USD, năm 2018 là 7,58 tỷ USD thì  2019 có thể vượt 9 tỷ USD.

Trong năm 2019, Bộ Công Thương đẩy mạnh mở cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam thông qua các hoạt động đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại. Thời gian qua, Bộ Công Thương đã tích cực phối hợp các Bộ, ngành liên quan kết thúc đàm phán và ký kết các Hiệp định thương mại tự do (FTA); thỏa thuận về hợp tác thúc đẩy thương mại. Tính đến nay, nước ta Việt Nam đã tham gia đàm phán và ký kết 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã ký kết và đi vào hiệu lực.

Bộ Công Thương đã và đang nỗ lực triển khai những công việc cần thiết để thực thi các Hiệp định và hỗ trợ doanh nghiệp khai thác lợi ích của các FTA như nội luật hóa các cam kết; tuyên truyền về tiến trình hội nhập và giải thích các cam kết; nghiên cứu, đánh giá tác động của các FTA, cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa công tác cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), áp dụng cơ chế tự chứng nhận xuất xứ,...

Bên cạnh đó, Chính phủ và Bộ Công Thương đặc biệt quan tâm đến công tác triển khai thực hiện Hiệp định CPTPP. Bộ Công Thương đã và đang chủ động nắm bắt tình hình áp dụng các biện pháp bảo hộ thương mại của các nước nhập khẩu để kịp thời thông tin cho các đơn vị liên quan và các doanh nghiệp, đồng thời đấu tranh có hiệu quả đối với các rào cản kỹ thuật, rào cản thương mại bất hợp lý.

Để tiếp tục tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, Chính phủ đã trực tiếp chỉ đạo, đôn đốc và điều hành sát sao trong việc sửa đổi nhiều quyết định liên quan đến thương mại, hải quan, Cơ chế Một cửa Quốc gia, kiểm tra chuyên ngành, tạo thuận lợi thương mại. Bên cạnh đó, hạ tầng cơ sở logistics ngày càng được cải thiện. Các công trình hạ tầng, bến bãi vận tải, giao nhận hàng hoá phục vụ cho hoạt động xuất nhập khẩu đã được nâng cấp, mở rộng.

Đặc biệt, các tuyến đường cao tốc, các sân bay, bến cảng và trung tâm logistics được xây dựng mới, mở rộng đã góp phần nâng cao năng lực xử lý hàng hóa, thúc đẩy lưu thông hàng hóa nhanh chóng. Năng lực của doanh nghiệp dịch vụ logistics cải thiện đáng kể, đóng góp tích cực vào các hoạt động kinh tế. Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) của Việt Nam xếp hạng 39/160 nước, tăng 25 bậc so với năm 2016 vươn lên đứng thứ 3 trong các nước ASEAN.

"Hoạt động xuất nhập khẩu năm 2020 sẽ còn đối diện với các khó khăn thách thức. Bộ Công Thương sẽ tập trung các nguồn lực, tích cực triển khai các giải pháp để phấn đấu đạt chỉ tiêu Quốc hội giao là tăng trưởng xuất khẩu đạt 7-8%", Bộ Công Thương nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục