Áp lực từ các thị trường chủ chốt cộng với số ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán kéo dài đã kéo tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa trong tháng đầu tiên của năm 2023 giảm mạnh.
Nhóm hàng chủ lực giảm sút
Đại diện Bộ Công Thương cho hay, trong tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa thu về khoảng 25,08 tỷ USD, giảm 13,6% so với tháng 12/2022. Đáng chú ý, nhóm công nghiệp chế biến chế tạo không còn là động lực tăng trưởng của xuất khẩu khi tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng này giảm nhiều nhất so với nhóm hàng nông lâm thủy sản và nhiên liệu khoáng sản.
[Dấu ấn của những ngành hàng xuất khẩu 10 tỷ USD]
Theo đó, trong tháng 1/2023, nhóm công nghiệp chế biến đem về 21,522 tỷ USD, giảm 21,7% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chính do hầu hết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này đều tạm dừng sản xuất để nghỉ Tết, chỉ trừ một số doanh nghiệp trong ngành giấy, xi măng, thép, phân, đạm, hóa chất và một số sản phẩm chế biến, bánh kẹo... vẫn duy trì sản xuất một sản lượng nhất định do đặc thù dây chuyền sản xuất phải vận hành liên tục của các ngành này.
Ngoài ra, một số doanh nghiệp trong các ngành khác như điện tử, ôtô,... vẫn duy trì vận hành một số bộ phận/dây chuyền có tính chất sản xuất liên tục (như dây chuyền sơn tĩnh điện trong các doanh nghiệp ôtô...), tuy nhiên, không sản xuất ra sản phẩm hoàn chỉnh mới.
Trong khi đó, nhóm hàng nhiên liệu và khoáng sản ước đạt 245 triệu USD, giảm 9,7% so với cùng kỳ năm trước còn hàng nông sản, lâm sản ước đạt 2,14 tỷ USD, giảm 19,8%.
Cũng theo thống kê, trong tháng đầu năm, hầu hết xuất khẩu sang các thị trường chủ lực đều giảm mạnh. Trong đó, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 7,6 tỷ USD, giảm 28,5%. Tiếp đến là Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu ước đạt 4,45 tỷ USD, tăng 14%; EU ước đạt 2,9 tỷ USD, giảm 33,8%; Nhật Bản ước đạt 1,8 tỷ USD, giảm 11,4%; Hàn Quốc ước đạt 1,65 tỷ USD, giảm 18,4%.
Tuy vậy, trong tháng 1/2023, cả nước có 7 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, gồm: điện thoại và linh kiện; điện tử, máy tính và linh kiện; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác; dệt, may; giầy dép; gỗ và sản phẩm gỗ; phương tiện vận tải và phụ tùng, chiếm 66,6% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa tháng 1/2023 ước đạt 21,48 tỷ USD, giảm 28,9% so với cùng kỳ năm trước. Dù vậy, việc nhập khẩu chủ yếu là hàng tư liệu sản xuất, đạt 19,97 tỷ USD (chiếm 93%), trong đó hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng chiếm 41,1%; hàng nguyên, nhiên, vật liệu chiếm 51,9%. Hàng vật phẩm tiêu dùng đạt 1,51 tỷ USD, chiếm 7%.
Như vậy, trong tháng đầu tiên của năm 2023, cả nước xuất siêu khoảng 3,6 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 1,04 tỷ USD; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) xuất siêu 4,64 tỷ USD.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Đánh giá về hoạt động xuất nhập khẩu, theo đại diện Bộ Công Thương, một trong những yếu tố ảnh hưởng lớn nhất đến xuất khẩu của Việt Nam là nhu cầu nhập khẩu của thế giới đối với các loại hàng hóa mà Việt Nam có thế mạnh giảm sút rõ rệt. Điều này chủ yếu do kinh tế toàn cầu tiếp tục gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn, vốn là các thị trường nhập khẩu hàng đầu trên thế giới và của chúng ta, như Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản…
Hơn nữa, những cú sốc về chuỗi cung ứng làm giá nguyên nhiên vật liệu tăng cao, theo đó giá thành sản xuất hàng hoá ở mức cao, làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa trong nước. Cộng với tình hình lạm phát tăng cao ở nhiều quốc gia, tồn kho cao... ảnh hưởng đến sức cầu nhập khẩu hàng hoá của người tiêu dùng, trong đó ảnh hưởng mạnh nhất là các mặt hàng không thiết yếu, vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường các nước phát triển, điển hình như dệt may, da giày…
"Sụt giảm của nhu cầu thế giới chính là yếu tố khó khăn và thách thức lớn cho xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2023. Tăng trưởng xuất khẩu năm 2023 cũng còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như diễn biến xung đột Nga-Ukraine, tình hình kiềm chế lạm phát, diễn biến kinh tế ở các thị trường có quy mô nhập khẩu lớn trên thế giới," đại diện Bộ Công Thương thông tin.
- Trong tháng 1/2023, cả nước xuất siêu khoảng 3,6 tỷ USD:
Với ngành dệt may Việt Nam, theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), năm 2023 tiếp tục được dự báo còn nhiều khó khăn với các doanh nghiệp trong ngành. Chính vì vậy, lãnh đạo Vinatex đề nghị mỗi đơn vị trong ngành cần xây dựng một vài kịch bản thị trường và có giải pháp với từng trường hợp. Đồng thời, chú trọng giảm chi phí và tăng hiệu quả, xem xét chiến lược về cơ cấu sản phẩm, giá cả và tập trung đầu tư cho người lao động.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, với nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết và có hiệu lực, nếu khai thác tốt sẽ là thế mạnh trong thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam. Ngoài ra, thu hút đầu tư trong nước và đầu tư nước ngoài tích cực sẽ là động lực tạo thêm năng lực sản xuất mới cho xuất khẩu.
Đặc biệt, nhằm tranh thủ các cơ hội khi Trung Quốc đã mở cửa trở lại để đẩy mạnh khai thác thị trường cho các mặt hàng có thế mạnh như nông sản, thủy sản, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các địa phương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn hướng dẫn các nhà xuất khẩu hoàn thiện hồ sơ xuất khẩu chính ngạnh Trung Quốc để tận dụng các cơ hội xuất khẩu hiệu quả sang thị trường này.
Song song với các định hướng trên, Bộ Công Thương tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại nhằm giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả và tốc độ của hoạt động xúc tiến thương mại trong thời gian tới./.