Bồ Đào Nha đàm phán với EU, IMF về gói cứu trợ

Phái đoàn chuyên gia của EU và IMF đã tiến hành đàm phán với các quan chức Bồ Đào Nha về gói cứu trợ tài chính cho nước này.
Ngày 12/4, tại Lisbon, phái đoàn chuyên gia của Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã bắt đầu tiến hành đàm phán với các quan chức Bồ Đào Nha về gói cứu trợ tài chính dành cho Bồ Đào Nha nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công.

Cuộc đàm phán đầu tiên này diễn ra giữa các chuyên gia phái đoàn EU và IMF với đại diện Bộ Tài chính và Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha.

Phát biểu với báo giới tại Lisbon, đại diện phái đoàn đàm phán của EU và IMF chưa tiết lộ chi tiết nội dung, song cho biết cuộc đàm phán tập trung thảo luận các khía cạnh kỹ thuật của gói cứu trợ do các chuyên gia của Ủy ban châu Âu (EC), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đề xuất.

Cùng ngày, Thủ tướng tạm quyền Bồ Đào Nha, ông Jose Socrates cho biết sẽ có cuộc gặp với đại diện các chính đảng chủ chốt trong Quốc hội trong ngày 13/4 để thảo luận về kế hoạch cứu trợ của EU và IMF nhằm giúp nước này thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ công. Bồ Đào Nha hiện đang lo thanh toán khoản tiền 4,9 tỷ euro trái phiếu chính phủ đến hạn trong tháng Sáu tới.

Trước đó, ngày 8/4, tại cuộc họp ở Godollo, Hungary, Bộ trưởng Tài chính các nước thành viên EU đã đề xuất gói cứu trợ trị giá 80 tỷ euro (tương đương 116 tỷ USD) dành cho Bồ Đào Nha trong ba năm kèm theo những điều kiện khá ngặt nghèo.

Theo đề xuất của EU, từ nay đến giữa tháng Năm tới, thời điểm Bồ Đào Nha tiến hành tổng tuyển cử, Madrid phải thông qua được một chương trình điều chỉnh, được coi là các biện pháp kinh tế khắc khổ, nhằm giảm tối đa các khoản chi công.

Đại diện cấp cao phụ trách các vấn đề kinh tế của EU Olli Rehn cho biết Bồ Đào Nha là nước thành viên thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sau Hy Lạp và Ireland, đề nghị EU và IMF cứu trợ trong vòng một năm qua.

Để nhận được khoản cứu trợ trên, Lisbon sẽ phải chấp nhận một số điều kiện hết sức khó khăn, thậm chí còn “khắc khổ hơn” các biện pháp từng bị đa số các nghị sỹ Quốc hội Bồ Đào Nha bỏ phiếu chống, như cắt giảm mạnh hơn các khoản chi tiêu công, tăng thuế, đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp, cải cách thị trường lao động cũng như cân đối khả năng thanh toán trong khu vực tài chính.

Trong diễn biến khác, cùng ngày 12/4, Chủ tịch Hội đồng Liên minh châu Âu (EU) Herman Van Rompuy đã loại trừ mọi khả năng tái cơ cấu nợ nước ngoài của Hy Lạp, cho rằng việc tái cơ cấu nợ có thể sẽ tạo ra nhiều vấn đề hơn là đem lại giải pháp cho nước này.

Theo ông Rompuy, Athens cần tiếp tục các cuộc cải cách tài chính mạnh mẽ và cổ phần hóa tài sản nhà nước đã được thông qua, bởi đây là giải pháp duy nhất trong bối cảnh hiện nay và EU sẽ không làm việc này thay Hy Lạp.

Trước đó, để xử lý khoản nợ nước ngoài lên đến 340 tỷ euro của Hy Lạp, EU, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và IMF đã cấp cho nước này khoản tín dụng đặc biệt trị giá 110 tỷ euro.

Đổi lại, Hy Lạp phải tiến hành cải cách cơ cấu triệt để và làm lành mạnh nền tài chính công. Athens đã cam kết giảm thâm hụt ngân sách từ 15,4% GDP năm 2009 xuống dưới 3% vào năm 2014./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục