Yêu cầu EC trợ giúp

Bồ Đào Nha yêu cầu được trợ giúp tài chính từ EC

Sau nhiều tháng đối phó cuộc khủng hoảng nợ công, ngày 6/4, Bồ Đào Nha đã quyết định yêu cầu EC trợ giúp tài chính để tránh bị vỡ nợ.
Sau nhiều tháng đối phó với những áp lực của thị trường cũng như sức ép từ các đối tác châu Âu do khó khăn bởi cuộc khủng hoảng nợ công, ngày 6/4, Chính phủ Bồ Đào Nha đã quyết định yêu cầu Ủy ban châu Âu (EC) trợ giúp tài chính để tránh bị vỡ nợ.

Các nguồn tin từ Lisbon cho biết phát biểu trên truyền hình Bồ Đào Nha tối 6/4, Thủ tướng sắp mãn nhiệm Jose Socrates nói rằng quyết định yêu cầu trợ giúp tài chính từ EC là cần thiết nhằm bảo đảm duy trì hệ thống tài chính và kinh tế của đất nước trong bối cảnh hiện nay.

Trong một tuyên bố cùng ngày tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu José Manuel Barroso cũng xác nhận việc Bồ Đào Nha cầu viện tài chính của châu Âu và cho biết yêu cầu trợ giúp trên của Lisbon sẽ được giải quyết nhanh nhất có thể.

Các nhà phân tích cho rằng Bồ Đào Nha có thể yêu cầu khoản trợ giúp trị giá 70 tỷ euro (100 tỷ USD), trong khi ông Barroso nói rằng số tiền này có thể lên tới 75 tỷ euro theo ước tính của ông Jean-Claude Juncker, Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính Khu vực đồng euro, đưa ra hồi tháng 3 vừa qua.

Cùng ngày 6/4, Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng tuyên bố sẵn sàng trợ giúp cho Bồ Đào Nha sau khi nước này cầu viện tài chính từ EC để giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công.

Một vài ngày trước khi Bồ Đào Nha cầu viện tài chính từ EC, các công ty xếp hạn tín dụng có uy tín liên tiếp hạ mức xếp hạng tín dụng của nước này vì cho rằng Chính phủ Bồ Đào Nha khó có thể đạt được những mục tiêu về giảm thâm hụt ngân sách giai đoạn 2011-2014 trong bối cảnh những bất ổn gia tăng về chính trị, ngân sách và kinh tế ở nước này hiện nay.

Ngày 5/4, hãng đánh giá tín dụng Moody’s đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Chính phủ Bồ Đào Nha xuống một bậc, từ A3 xuống Baa1.

Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng, Moody’s hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha. Trước đó, ngày 29/3, Công ty xếp hạng tín dụng Standard & Poor’s (S&P) cũng đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Bồ Đào Nha từ BBB xuống BBB-.

Những động thái này đã khiến giới phân tích dự đoán về khả năng Bồ Đào Nha sẽ buộc phải đề nghị các đối tác châu Âu cứu trợ tài chính. Một số nhà phân tích còn cho rằng nếu không được cứu trợ, hầu như chắc chắn Bồ Đào Nha sẽ bị vỡ nợ.

Lãi suất trái phiếu Chính phủ Bồ Đào Nha đã tăng lên mức không bền vững, với mức lãi suất trái phiếu 10 năm lên tới 7,78% hôm 1/4, mức cao nhất kể từ khi nước này gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Mạng tin Dự báo Thị trường (Anh) mới đây còn nhận định mặc dù tới nay châu Âu vẫn chống chọi được với cơn bão khủng hoảng nợ công, nhưng những diễn biến mới ở Bồ Đào Nha nếu không được giải quyết tích cực, sẽ trở thành nguy cơ đẩy cuộc khủng hoảng tài chính trong khu vực vượt ra ngoài tầm kiểm soát./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục