“Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả gây nhiễu loạn thông tin cho hệ thống và xã hội. Các trường cần xem xét lại, phân tích chất lượng đầu vào theo các phương thức xét tuyển dể loại bớt phương thức không hiệu quả.” Đây là đề nghị của Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học Nguyễn Thu Thủy tại Hội nghị Tuyển sinh năm 2023 do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức sáng nay, ngày 3/3, tại Hà Nội.
Nhiều phương thức không hiệu quả
Theo bà Nguyễn Thu Thủy, hiện có trên 20 phương thức xét tuyển đại học được các trường áp dụng. Tuy nhiên, trên 85% thí sinh vẫn nhập học theo hai phương thức xét tuyển chính là dựa trên điểm thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét học bạ.
Thống kê của Vụ Giáo dục Đại học cho thấy trong mùa tuyển sinh năm 2022 có trên 200 lượt phương thức xét tuyển đại học không có thí sinh đăng ký, 100 lượt phương thức xét tuyển rất ít lượt thí sinh đăng ký. Nhiều phương thức xét tuyển có tỷ lệ thí sinh nhập học rất thấp, dưới 1% tổng số thí sinh nhập học. Cụ thể như phương thức xét kết hợp điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ có tỷ lệ thí sinh nhập học chỉ chiếm 0,27%, xét kết hợp thi tốt nghiệp với chứng chỉ quốc tế chiếm 0,26%, xét kết hợp kết quả học tập với chứng chỉ quốc tế chiếm 0,5%, xét kết hợp học bạ và phỏng vấn chiếm 0,01%. Thậm chí có phương thức xét qua phỏng vấn còn không tuyển được một thí sinh nào.
“Nhiều phương thức xét tuyển không hiệu quả gây nhiễu loạn thông tin cho hệ thống và xã hội,” bà Thủy cho hay.
Theo đó, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học đề nghị các cơ sở đào tạo phân tích, thống kê kết quả các phương thức xét tuyển, đánh giá kêt quả học tập của sinh viên theo từng phương thức. Trên cơ sở đó, các trường cần loại bỏ bớt phương thức không hiệu quả.
Khắc phục những hạn chế
Vụ trưởng Nguyễn Thu Thủy cho hay mùa tuyển sinh năm 2022 tuy đã thành công khi giảm tỷ lệ thí sinh ảo, tỷ lệ thí sinh nhập học cao (đạt 51,35% trên tổng số thí sinh dự thi) nhưng vẫn còn những hạn chế cần khắc phục.
Đó là những sai sót trong điểm ưu tiên của thí sinh do các em khai sai thông tin và điểm tiếp nhận rà soát chưa kỹ, là tình trạng thí sinh chọn nhầm phương thức xét tuyển khi đăng ký lên hệ thống tuyển sinh chung, tình trạng cơ sở giáo dục xét tuyển sớm nhưng không nhập dữ liệu kịp thời lên hệ thống…
Để khắc phục tình trạng trên, bà Thủy cho hay trong mùa tuyển sinh năm 2023, bộ sẽ hoàn thiện quy trình tuyển sinh, tiếp tục nâng cấp hệ thống áp dụng công nghệ để hạn chế các nhầm lẫn của thí sinh. Bộ cũng sẽ tăng cường một số giải pháp về mặt kỹ thuật nhằm hỗ trợ tốt hơn cho công tác tuyển sinh, hỗ trợ tốt hơn cho các thí sinh trong quá tình đăng ký xét tuyển, đơn giản hóa giao diện đăng ký xét tuyển.
Theo đó, không chỉ cập nhật điểm thi tốt nghiệp và điểm học bạ, năm 2023, bộ sẽ bổ sung chức năng để các cơ sở đào tạo cập nhật kết quả điểm các kỳ thi riêng như đánh giá năng lực, đánh giá tư duy… (nếu có) lên hệ thống tuyển sinh chung. Các cơ sở đào tạo có thể sử dụng kết quả này để xét tuyển. Thí sinh cũng không cần phải đăng ký xét tuyển theo các phương thức mà chỉ cần đăng ký theo mã ngành.
Bộ cũng yêu cầu các cơ sở đào tạo tuân thủ quy chế tuyển sinh, không công bố thí sinh trúng tuyển cũng như yêu cầu thí sinh nhập học sớm hơn quy định, phải cập nhật kết quả xét tuyển sớm lên phần mềm.
[Tuyển sinh ĐH 2023: Thay đổi cách đăng ký xét tuyển nguyện vọng]
Để tránh tình trạng không xử lý kịp thời các sai sót dẫn đến gây bức xúc cho thi sinh và dư luận như năm 2022, bộ yêu cầu các trường triệt để thực hiện nguyên tắc theo quy định của Quy chế tuyển sinh hiện hành, công tác xử lý rủi ro phải được công bố trong đề án tuyển sinh. Các cơ sở đào tạo phải chủ trì, chịu trách nhiệm và phối hợp với các cơ sở đào tạo liên quan để giải quyết các rủi ro nếu có.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Trường Đại học Giao thông Vận Tải cho hay việc đơn giản hóa trong đăng ký xét tuyển là hợp lý. Tuy nhiên, ông Hà kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu kỹ và sớm công bố cho thí sinh và các trường.
Đây cũng là kiến nghị của đại diện đến từ Trưởng Đại học Duy Tân. Theo vị này, việc đăng ký trực tuyến có thể không khó khăn với học sinh thành thị nhưng là vấn đề với học sinh khu vực nông thôn, miền núi. Vì vậy, sau khi hoàn chỉnh phần mềm tuyển sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo nên có hướng dẫn với các sở và các trường trung học phổ thông để thầy cô tập luyện cho các em thử nghiệm trước nhằm hạn chế các sai sót vì khi thí sinh đăng ký xét tuyển chính thúc là lúc các em đã tốt nghiệp và kết thúc chương trình học tại trường./.