Bộ GD-ĐT kiến nghị xây dựng nhất quán kế hoạch đưa trẻ đến trường

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để đưa trẻ đến trường

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế và lãnh đạo các địa phương để có thể đưa học sinh trở lại học trực tiếp an toàn, hiệu quả.
Học sinh Hà Nội trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Nam/Vietnam+)
Học sinh Hà Nội trở lại trường sau thời gian dài học trực tuyến. (Ảnh: Nguyễn Nam/Vietnam+)

Chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn một trong những kiến nghị của Bộ Giáo dục và Đào tạo với Chính phủ trong cuộc họp trực tuyến về tình hình mở cửa trường học của các địa phương được tổ chức tại trụ sở Chính phủ sáng nay, 17/2.

Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo nhiều bộ ngành và kết nối với 63 điểm cầu tại 63 tỉnh, thành phố trên cả nước.

Nhất quán kế hoạch, đầu tư kinh phí

Báo cáo tạo cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho hay thực hiện chủ trương của Chính phủ về việc mở cửa trường học, hiện tất cả các tỉnh thành trên cả nước đã cho học sinh bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông đi học trở lại. Riêng bậc mầm non còn 9 tỉnh thành và bậc tiểu học còn 6 tỉnh thành chưa tổ chức cho các em tới trường.

Qua theo dõi và kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy việc tổ chức dạy và học ở các địa phương cũng có sự khác nhau về thời gian, địa điểm, cách thức, quy mô. Nhiều nơi thiếu nhân lực y tế, thiếu kinh phí mua sắm trang thiết bị phòng dịch…

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để đưa trẻ đến trường ảnh 1Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn kiểm tra việc dạy và học trực tiếp tại Thanh Hoá. (Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch nhất quán việc đưa trẻ em mầm non, học sinh đến trường đảm bảo an toàn; quan tâm, đầu tư kinh phí và nhân lực y tế cơ sở cho các trường học trên địa bàn để đảm bảo công tác phòng, chống dịch khi tổ chức các hoạt động giáo dục trực tiếp…

Tại cuộc họp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố thống nhất chỉ đạo việc tổ chức dạy học trực tiếp trên tinh thần không chủ quan nhưng không quá sợ hãi căng thẳng, dẫn đến chỉ đạo rụt rè, thiếu nhất quán. Với những trường học có điều kiện bán trú, Bộ đề nghị các địa phương chỉ đạo tổ chức cho học sinh học bán trú.

Trong công tác phòng chống dịch, Bộ đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành chỉ đạo sở giáo dục và đào tạo, sở y tế, các ban, ngành liên quan tăng cường tổ chức tuyên truyền, tập huấn, diễn tập cho cán bộ quản lý, nhân viên, giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh về việc xử trí F0, F1 trong trường học và các biện pháp đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, tạo sự đồng thuận cho trẻ em mầm non, học sinh đến trường, đảm bảo an toàn.

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để đưa trẻ đến trường ảnh 2Tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp trở lại ở các cấp học tính đến ngày 16/2.

Bên cạnh đó, các địa phương cần tăng cường điều kiện đảm bảo thực hiện tốt công tác y tế trường học, tăng cường nhân lực, bố trí người trực, cơ sở vật chất phòng chống dịch cho các cơ sở giáo dục; xây dựng giải pháp trước mắt và lâu dài cho công tác y tế trường học, chăm sóc sức khỏe của trẻ em, học sinh theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Thống kê chính xác số học sinh, giáo viên F0

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng Bộ đề nghị Bộ Y tế phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai nhiều nội dung liên quan đến công tác phòng, chống dịch trong các nhà trường, đảm bảo tốt nhất cho việc mở cửa trường học.

Cụ thể, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn chuyển kiến nghị của các địa phương về việc đề nghị Bộ Y tế xem xét, điều chỉnh quy định về thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm cho trường hợp F1 theo hướng rút gọn thời gian cách ly y tế và số lần xét nghiệm đối với trường hợp F1 là giáo viên, trẻ em mầm non, học sinh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc thúc đẩy mở cửa trường học.

Bộ trưởng đề nghị Bộ Y tế ban hành hướng dẫn và thống nhất với các địa phương về việc test sàng lọc học sinh khi tới lớp; test thường xuyên/định kỳ, cụ thể đối tượng nào cần test; đẩy mạnh việc tập huấn, hướng dẫn các địa phương trong việc điều trị, thuốc chữa bệnh cho trẻ em bị F0 nhằm tạo sự an tâm cho phụ huynh, đồng thuận trong dư luận xã hội; ban hành Sổ tay hướng dẫn cho nhà trường và phụ huynh việc chăm sóc trẻ em F0 tại nhà để tổ chức tuyên truyền đến phụ huynh.

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để đưa trẻ đến trường ảnh 3Khu vực cách ly được chuẩn bị sẵn sàng cho các tình huống phát hiện F1, F0 trong nhà trường. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đề nghị Bộ Y tế thống kê và thông tin toàn bộ số trẻ em mắc F0 từ sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán tới nay, số mắc trong cộng đồng và số mắc do đi học, số chuyển nặng và số tử vong... để phục vụ công tác truyền thông, tạo sự an tâm, đồng thuận trong xã hội, giải tỏa tâm lý lo lắng của phụ huynh trước hiện tượng nhiều học sinh đi học mắc F0 khi đi học trực tiếp trở lại. Theo phó giáo sư Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, số liệu này cần thống kê từ Bộ Y tế để đảm bảo độ chính xác cao nhất.

Bên cạnh đó, nhằm giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo và các địa phương thống nhất trong việc chỉ đạo, điều hành, tư lệnh ngành giáo dục đề nghị Bộ Y tế cho ý kiến chuyên môn về phòng chống dịch đối với việc cho trẻ em tới trường nhưng chưa được tiêm vắc xin; việc tổ chức ăn bán trú, học hai buổi... Đây cũng là những vấn đề đang được các bậc phụ huynh đặc biệt quan tâm.

Về phía ngành giáo dục, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho hay Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục kiểm tra, đánh giá tình hình dạy học trực tiếp đảm bảo an toàn phòng chống dịch ở một số địa phương; hướng dẫn các cơ sở giáo dục thực hiện tốt các nhiệm vụ chuyên môn, hoàn thành kế hoạch năm học chất lượng, hiệu quả.

Bộ GD-ĐT kiến nghị hàng loạt giải pháp để đưa trẻ đến trường ảnh 4Việc học trực tiếp sẽ đảm bảo chất lượng giáo dục do có sự sát sao hơn của giáo viên, đồng thời khắc phục những động tiêu cực từ học trực tuyến. (Ảnh: Phạm Mai/Vietnam+)

Bộ cũng sẽ xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình Y tế trường học trong các cơ sở mầm non, phổ thông gắn với y tế cơ sở giai đoạn 2021-2025, tập trung việc rà soát, sắp xếp đội ngũ nhân viên y tế trường học (chuyên trách, kiêm nhiệm); xây dựng chương trình, tài liệu và tổ chức bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho đội ngũ.

[Hà Nội 'chốt' đi học trở lại: Học sinh vui mừng, phụ huynh lo lắng]

Bộ cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế để đánh giá tình hình dịch bệnh trong trường học, kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo đối với các tình huống phức tạp xảy ra; sửa đổi hướng dẫn xử trí với các trường hợp F0, F1 trong trường học phù hợp với thực tiễn đồng thời tăng cường công tác truyền thông chủ trương mở cửa trường học, tạo sự đồng thuận của xã hội, đặc biệt là của phụ huynh học sinh trong việc sẵn sàng cùng với ngành Giáo dục đưa con em trở lại trường học an toàn.

Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, hiện cả nước có trên 21 triệu học sinh đã đi học trực tiếp trên tổng  số trên 22,4 triệu em, đạt tỷ lệ 93,71%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục