Bộ GTVT: 6 tháng, vận tải hành khách và hàng hóa tăng trưởng 2 con số

Vận chuyển hành khách lũy kế sáu tháng ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó vận chuyển bằng đường sắt tăng 75,7%, đường biển tăng 49,6%...
Thời gian qua, vận tải hành khách luôn đạt tăng trưởng 2 con số. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)
Thời gian qua, vận tải hành khách luôn đạt tăng trưởng 2 con số. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+)

Phát biểu tại hội nghị sơ kết sáu tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ sáu tháng cuối năm 2023 của Bộ Giao thông Vận tải vào chiều ngày 10/7, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Lê Đình Thọ cho biết thời gian qua vận tải khách và hàng hóa luôn đạt tăng trưởng 2 con số. 

Cụ thể, vận chuyển hành khách lũy kế sáu tháng ước đạt 2.178,8 triệu lượt khách, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó vận chuyển hành khách của lĩnh vực đường sắt tăng 75,7%, đường biển tăng 49,6%, đường thủy tăng 32,9%, hàng không tăng 26,5% và đường bộ tăng 14,3%.

Lũy kế sáu tháng, vận tải hàng hóa ước đạt 1.108,9 triệu tấn, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm 2022; trong đó vận chuyển hàng hóa qua đường thủy tăng 30,8%, đường bộ tăng 12,7%, đường biển tăng 13,3% trong khi hàng không giảm 2,2% và đường sắt giảm 26,4%.

[Vận tải khách phục hồi, doanh thu ngành đường sắt tăng trưởng mạnh]

Để nâng cao hiệu quả vận tải trong thời gian tới, về lĩnh vực đường bộ, Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục điều chỉnh, bổ sung danh mục chi tiết tuyến vận tải hành khách cố định liên tỉnh đường bộ toàn quốc định hướng đến năm 2030; chỉ đạo các cơ quan tập trung xây dựng đề án áp dụng chuyển đổi số vào tổ chức hoạt động vận tải đường bộ bằng xe ôtô.

Đối với lĩnh vực đường thủy, bộ tập trung chỉ đạo hoàn thiện đề án nâng cao năng lực vận tải container trên tuyến đường thuỷ nội địa Bắc Ninh-Hải Phòng, với mục tiêu phát triển vận tải container theo hướng tăng thị phần vận tải thủy nội địa.

Đánh giá hoạt động vận tải hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu của hành khách, một số đường bay kết nối Việt Nam với quốc tế dần hồi phục như năm 2019 (năm trước đại dịch COVID-19), Bộ Giao thông Vận tải tập trung theo dõi sát sao tình hình, nhu cầu thị trường, chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ động phối hợp với các hãng hàng không, các đơn vị trong ngành để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách.

Bên cạnh đó, Cục Hàng không cũng chủ động trao đổi với các nhà chức trách hàng không liên quan đến việc khôi phục các đường bay quốc tế, mở rộng khai thác đến các thị trường quốc tế mới và đặc biệt là việc khôi phục lại thị trường Trung Quốc.

Nhằm hạn chế tình trạng chậm, hủy chuyến, tăng cường chất lượng dịch vụ hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã triển khai nhiều giải pháp trong công tác quản lý điều hành, thử nghiệm và ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động vận tải hàng không; đưa vào khai thác 2 vị trí đỗ tàu bay (số 50, 51) và sửa đổi phương thức khai thác hai đường cất hạ cánh song song tại tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài.

Song song đó, Bộ Giao thông Vận tải cũng yêu cầu Cục Hàng không thực hiện việc thu hồi slot (điều phối giờ hạ, cất cánh) không sử dụng cũng như không xác nhận slot mới cho các hãng hàng không có tỷ lệ slot sử dụng đúng thấp; xử lý kịp thời các phản ánh, thắc mắc của hành khách liên quan đến hoạt động vận tải hàng không, qua đó đã nâng cao năng lực điều hành và khả năng phục vụ tại các cảng hàng không góp phần giảm ùn tắc tại các cảng hàng không, cải thiện đáng kể  tình trạng chậm, hủy chuyến bay.

Ngoài ra, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các Cục Hàng không xây dựng phương án triển khai sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2, ứng dụng sinh trắc học cho công dân khi làm thủ tục đi máy bay./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục