Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của quốc gia

Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông, đổi mới sáng tạo chính là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và nâng cao giá trị doanh nghiệp.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của quốc gia ảnh 1Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại triển lãm quốc tế về đổi mới sáng tạo Việt Nam 2021. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho biết, đổi mới sáng tạo không chỉ là những thứ gần gũi với đời thường như sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng; là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể.

Tư duy đổi mới sáng tạo phải có trong mỗi người dân, doanh nghiệp tạo ra một làn sóng hay văn hoá đổi mới sáng tạo. Có như vậy, mới tạo ra những tiền lệ mới vì sự phát triển của quốc gia.

Để hiểu rõ hơn, về đổi mới sáng tạo và việc tận dụng những cơ hội từ cách mạng công nghệ lần thứ tư, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với Thứ trưởng Trần Duy Đông xung quanh nội dung này.

- Thưa Thứ trưởng, mấy năm gần đây, chúng ta nghe nói nhiều đến cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc tận dụng những thành tựu của cuộc cách mạng này không chỉ là việc của người dân, doanh nghiệp mà còn của toàn xã hội. Do vậy, đổi mới sáng tạo đã thực sự được coi là động lực phát triển kinh tế-xã hội ?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tác động đến mọi ngõ ngách của cuộc sống người dân, doanh nghiệp, từ giao thông đến ngân hàng, từ hành chính đến tiêu dùng, từ thị trường trong nước đến toàn cầu…

Cùng với đó, thời gian qua, chuyển đổi số phát triển phần nào đã giúp doanh nghiệp đứng vững và phát triển nhờ tận dụng thời cơ, tìm được lối đi riêng. Theo tôi, việc tận dụng những thành tựu của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư không chỉ là việc của người dân, doanh nghiệp.

Hiện, Chính phủ đã xây dựng khung khổ pháp lý để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng tốt nhất những cơ hội từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thực hiện tốt chuyển đổi số cũng như cơ hội hút vốn đầu tư từ các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư trong và ngoài nước…

[Khởi nghiệp sáng tạo - hiện thực hóa khát vọng đất nước hùng cường]

Với mục tiêu doanh nghiệp phải là trọng tâm trong phát triển Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và đổi mới sáng tạo. Theo đó, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 52/NQ-TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Tuy nhiên, theo đánh giá, mức độ chủ động tham gia Cách mạng công nghiệp lần thứ tư của nước ta còn thấp… Cùng với đó, khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo chưa thực sự là động lực phát triển kinh tế-xã hội; hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia mới được hình thành, chưa đồng bộ và hiệu quả.

Ngoài động lực là nghị quyết nêu trên, chúng ta còn có những động lực cho đổi mới sáng tạo khác như: dịch chuyển đầu tư quốc tế, các FTAs thế hệ mới, các yếu tố nội tại của Việt Nam như cơ cấu dân số vàng, định hướng tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế của trung ương, thậm chí là ngay cả COVID-19 cũng là một động lực cho đổi mới sáng tạo.

Tất cả đều nhằm tới một mục tiêu là đưa đổi mới sáng tạo thành một trong những hoạt động chủ yếu nâng cao vị thế và năng lực của quốc gia.

- Thưa Thứ trưởng, Chính phủ đã xác định chủ đề của năm 2021 là “Đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, khát vọng phát triển.” Theo Thứ trưởng, đổi mới sáng tạo có ý nghĩa và vai trò như thế nào với đất nước lúc này?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Đổi mới sáng tạo đòi hỏi các cơ quan, tổ chức… phải thay đổi mô hình quản trị, cách thức quản lý và phương pháp kinh doanh. Đổi mới sáng tạo chính là cơ hội để đổi mới mạnh mẽ, nâng cao năng suất, sức cạnh tranh và nâng cao giá trị doanh nghiệp.

- Được xem là cơ quan "tiên phong" trong đổi mới sáng tạo, Thứ trưởng có thể đánh giá tác động của đổi mới sáng tạo đối với xã hội, đối với nền kinh tế như thế nào và Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có những hành động nào để "thích ứng" với sự chuyển đổi của doanh nghiệp, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Điểm đầu tiên có thể kể đến là đổi mới sáng tạo đã thúc đẩy các bộ, ngành lập và triển khai các chiến lược, đề ra các giải pháp và thực thi đổi mới sáng tạo trong mọi hoạt động. Điều này giải thích tại sao dù Việt Nam bị ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19 nhưng tăng trưởng vẫn dương trong năm 2020 và đạt được nhiều thành tựu về xuất nhập khẩu, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thu ngân sách vẫn ở mức cao và thể chế vẫn được cải cách đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước.

Đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ động xây dựng, triển khai Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu là đến năm 2025, 100% doanh nghiệp được nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và tối thiểu 100.000 doanh nghiệp được hỗ trợ kỹ thuật về chuyển đổi số.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Đổi mới sáng tạo vì sự phát triển của quốc gia ảnh 2Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chương trình cũng đặt mục tiêu có tối thiểu 100 doanh nghiệp được hỗ trợ là mô hình chuyển đổi số điển hình thành công để lan tỏa và nhân rộng; thiết lập mạng lưới chuyên gia gồm tối thiểu 100 tổ chức, cá nhân tư vấn, cung cấp giải pháp thúc đẩy chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển các nền tảng số.

Cùng với đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng ban hành Chương trình quốc gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị giai đoạn 2021-2025.

Tuy nhiên, tôi cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện môi trường đầu tư kinh doanh, xây dựng khung khổ pháp luật đầy đủ phải là giải pháp quan trọng hàng đầu để hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo một cách tốt nhất. Bởi, đây là động lực chính thúc đẩy đổi mới sáng tạo của Việt Nam trong tương lai.

- Nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước tiếp cận với công nghệ hàng đầu thế giới cũng như doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. Bộ Kế hoạch và Đầu tư dự kiến sẽ sửa đổi khung khổ pháp luật theo hướng như thế nào, thưa ông?

Thứ trưởng Trần Duy Đông: Đổi mới sáng tạo không chỉ là những gì cao siêu mà chính là những thứ gần gũi với đời thường như: sáng kiến mới, những nỗ lực sáng tạo vì cộng đồng. Đổi mới sáng tạo là những nỗ lực liên tục, bền bỉ, được chứng minh qua hành động cụ thể. Tư duy đổi mới sáng tạo phải có trong mỗi người dân, doanh nghiệp, Chính phủ để từ đó tạo ra một làn sóng hay văn hoá đổi mới sáng tạo. Có như vậy mới tạo ra những tiền lệ mới vì sự phát triển của quốc gia.

Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 52 của Bộ Chính trị quy định rất rõ và cụ thể nhiệm vụ của từng bộ ngành, cơ quan liên quan về việc hoàn thiện cơ chế, chính sách để tạo điều kiện cho doanh nghiệp chủ động tham gia cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Dưới góc độ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, chúng tôi đang tập trung sửa đổi Nghị định 39/2018/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này tiếp cận các công nghệ hàng đầu thế giới cũng như doanh nghiệp và các quỹ đầu tư hàng đầu thế giới. doanh nghiệp nhỏ và vừa của Việt Nam không thiếu những ý tưởng sáng tạo, có khả năng ứng dụng cao vì vậy nhiệm vụ của chúng tôi là tạo điều kiện để những ý tưởng này tiếp cận được nguồn lực rẻ nhất, nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Hướng sửa đổi là phải tạo ra môi trường đầu tư tốt hơn để các nhà đầu tư, các quỹ đầu tư lớn có thể dễ dàng tham gia vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo, thuận lợi hợp tác với các doanh nghiệp tiềm năng của Việt Nam.

Theo đó, những quy định như các nhà đầu tư tư nhân có thể thành lập quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo nhưng không được thành lập tư cách pháp nhân hay chỉ được tối đa 30 nhà đầu tư góp vốn thành lập quỹ, đầu tư không quá 50% vốn điều lệ của doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo... cần được xem xét để có những hướng đi phù hợp với thông lệ quốc tế, hỗ trợ cho đổi mới sáng tạo.

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục