Phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Trong 5 năm qua, hoạt động khoa học-công nghệ đã có đóng góp toàn diện, đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt.
Phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ảnh 1Sản xuất điện thoại thông minh giá rẻ tại Nhà máy sản xuất thiết bị điện tử thông minh của VinSmart (Tập đoàn Vingroup) trong Khu công nghệ cao Hòa Lạc (Hà Nội). (Ảnh: Anh Tuấn - TTXVN)

Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và quá trình chuyển đổi số tác động đến nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội cũng như không ít thách thức. Cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt.

Trong bối cảnh ấy, 5 năm qua (2015-2020), khoa học-công nghệ đã có những đóng góp quan trọng, toàn diện trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt, chỉ số năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) tăng từ 33,6% giai đoạn 2011-2015 lên 44,46% giai đoạn 2016-2019, tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu đạt 50% năm 2020.

Phát triển vượt bậc tiềm lực khoa học-công nghệ

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Đảng ủy Bộ Khoa học và Công nghệ đã phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Bộ chỉ đạo xây dựng và ban hành 11 chương trình, kế hoạch hành động, trong đó đã lồng ghép các nhiệm vụ, giải pháp để phát triển khoa học-công nghệ, thúc đẩy hoạt động đổi mới sáng tạo trong các ngành, lĩnh vực và tại các địa phương.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định nhấn mạnh trong 5 năm qua, tiềm lực khoa học-công nghệ không ngừng được nâng cao. Cả nước hiện có gần 67.000 cán bộ nghiên cứu và phát triển quy đổi tương đương toàn thời gian TFP đạt 7 người/vạn dân.

Một số tổ chức khoa học và công nghệ tiên tiến tầm quốc tế được thành lập cả ở khu vực công và tư, như: Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam-Hàn Quốc (VKIST), Viện R&D Viettel, Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn và Viện Nghiên cứu Công nghệ cao Vin Hi-Tech...

Bên cạnh đó, hai Trung tâm khoa học quốc tế về Toán học và Vật lý đã hình thành, được UNESCO công nhận và bảo trợ. Đề án Hệ Tri thức Việt số hóa được triển khai để hình thành cơ sở dữ liệu số của người Việt bước đầu phát huy hiệu quả.

Ba khu công nghệ cao quốc gia là Hòa Lạc, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng thu hút hàng trăm dự án đầu tư với số vốn hàng chục tỷ USD. Nguồn lực tài chính từ xã hội và doanh nghiệp đầu tư cho khoa học-công nghệ ngày càng gia tăng mạnh mẽ, tỷ trọng đầu tư cải thiện theo chiều hướng tích cực so với 5 năm trước.

Theo Thứ trưởng Lê Xuân Định, vai trò của doanh nghiệp trong chuỗi hoạt động nghiên cứu và đổi mới sáng tạo ngày càng trở nên quan trọng. Thị trường công nghệ được thúc đẩy phát triển. Cả nước có 15 sàn giao dịch công nghệ, 50 vườn ươm công nghệ, 186 tổ chức đại diện sở hữu công nghiệp và mạng lưới các trung tâm ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học-công nghệ trên toàn quốc.

Hợp tác quốc tế về khoa học-công nghệ được mở rộng với trên 70 quốc gia, tổ chức quốc tế và vùng lãnh thổ, góp phần thu hút nguồn lực để nâng cao tiềm lực khoa học-công nghệ quốc gia.

Các dự án hợp tác với Ngân hàng Thế giới, Thụy Điển, Phần Lan, Bỉ, Australia... đã tác động tích cực tới sự phát triển của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, giúp hình thành và phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo.

Trong 5 năm qua, các nghiên cứu cơ bản góp phần tăng cường, phát triển tiềm lực nghiên cứu và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Số lượng các bài báo khoa học, công trình công bố quốc tế của Việt Nam tăng trưởng nhanh trên 20%/năm.

Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên như Toán học, Vật lý, Hóa học giữ thứ hạng cao trong khu vực ASEAN. Chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam liên tục tăng: Năm 2017 tăng 12 bậc, năm 2018 tăng 2 bậc, năm 2019 tăng tiếp 3 bậc, xếp thứ 42/129 quốc gia và vùng lãnh thổ, đưa Việt Nam vươn lên dẫn đầu nhóm 26 quốc gia thu nhập trung bình thấp và đứng thứ 3 ASEAN.

[Phát triển nguồn nhân lực, áp dụng KH-CN để thúc đẩy tăng trưởng]

Các kết quả nghiên cứu trong lĩnh vực khoa học tự nhiên đã đóng góp thiết thực cho việc tăng cường năng lực dự báo, cảnh báo, phòng tránh thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu như hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông bờ biển, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính phù hợp với điều kiện Việt Nam, đề xuất các giải pháp nhằm giảm thiểu ảnh hưởng của triều cường, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn do tác động của biến đổi khí hậu và nước biển dâng tại các vùng trọng điểm như Đồng bằng sông Cửu Long, ven biển miền Trung và Đồng bằng sông Hồng.

Các kết quả nhiệm vụ khoa học-công nghệ đã nghiên cứu sự hình thành, phát triển, di chuyển của xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông hạn 3 ngày, đạt được các sản phẩm dự báo thời tiết chi tiết hơn những dự báo hiện có.

Công nghệ dự báo tiệm cận với các công nghệ tiên tiến trên thế giới; cung cấp các luận cứ khoa học trong việc thực hiện kế hoạch tổng thể về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển bền vững kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, bảo vệ hiệu quả nguồn lực tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học.

Khoa học xã hội và nhân văn đã cung cấp cơ sở khoa học và luận cứ cho việc hoạch định, xây dựng các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; cung cấp luận cứ xây dựng văn kiện Đại hội XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm 2021-2030 và kế hoạch kinh tế-xã hội giai đoạn 2021-2025; xác định mô hình, đường lối hội nhập quốc tế, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Nhiều đề án nghiên cứu có ý nghĩa văn hóa-xã hội sâu sắc được thực hiện, góp phần bổ sung, hoàn thiện những giá trị văn hóa, lịch sử, xã hội của dân tộc.

Cải thiện chất lượng tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động

Trong 5 năm qua, hoạt động khoa học-công nghệ đã có đóng góp toàn diện, đặc biệt trong phát triển kinh tế-xã hội, chất lượng tăng trưởng được cải thiện, năng suất lao động được nâng lên rõ rệt, thúc đẩy phát triển sản phẩm chủ lực của vùng theo chuỗi giá trị, đặc biệt là các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu tại các địa phương trên cả nước. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học-công nghệ, công nghệ cao trong sản xuất, giúp nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa.

Ngành khoa học và công nghệ đã góp phần vào thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; hỗ trợ theo chuỗi giá trị cho các sản phẩm quốc gia, chủ lực, sản phẩm trọng điểm của địa phương (OCOP); thúc đẩy mạnh mẽ sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

Nhiều doanh nghiệp đã đầu tư vào các khu sản xuất tập trung quy mô lớn với công nghệ hiện đại gắn với các nhà máy, cơ sở bảo quản, chế biến nông sản có giá trị xuất khẩu cao, từng bước hình thành ngành công nghiệp chế biến lâm sản đứng thứ 2 châu Á và đứng thứ 5 trên thế giới.

Triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, ngành khoa học và công nghệ đã xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho sản phẩm, hàng hóa; bảo hộ sở hữu trí tuệ; truy xuất nguồn gốc sản phẩm; phòng, chống gian lận thương mại, hỗ trợ doanh nghiệp trong các lĩnh vực trọng điểm, mũi nhọn, ưu tiên nghiên cứu, làm chủ nhiều công nghệ tiên tiến, thiết kế, chế tạo các sản phẩm có giá trị lớn, tỷ lệ nội địa hóa cao, dẫn dắt mức tăng trưởng chung của ngành công nghiệp và toàn nền kinh tế.

Ngoài ra, khoa học-công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong nghiên cứu vật liệu, xây dựng đơn giá, định mức; thiết kế, thi công công trình với việc làm chủ thiết kế và thi công nhà cao tầng trên 100 tầng; triển khai các dự án thí điểm áp dụng mô hình thông tin công trình (BIM) và chuyển đổi số trong hoạt động xây dựng, quản lý vận hành công trình.

Phát triển tiềm lực khoa học-công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo ảnh 2(Ảnh minh họa: Danh Lam/TTXVN)

Khoa học-công nghệ được ứng dụng mạnh mẽ trong hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng, phát triển hạ tầng thanh toán thẻ, hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực Fintech, định hướng chuyển đổi số, quản trị thông minh, hướng tới phát triển ngân hàng số. Công nghệ số cũng thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động du lịch, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Việt Nam.

Đáng chú ý, trong lĩnh vực y tế, khoa học-công nghệ được ứng dụng rộng rãi trong công tác phòng ngừa, chẩn đoán và khám chữa bệnh với một số lĩnh vực ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, như kỹ thuật ghép tạng, nội soi can thiệp, điện quang can thiệp, y học hạt nhân, công nghệ tế bào gốc, hồi sức cấp cứu, an toàn truyền máu, vaccine và sinh phẩm...

Đặc biệt, khi dịch COVID-19 diễn biến dịch phức tạp trên thế giới cũng như tại Việt Nam, các nhiệm vụ khoa học-công nghệ cấp quốc gia đã nghiên cứu về đặc điểm dịch tễ học, chế tạo bộ KIT phát hiện virus SARS-CoV-2, xây dựng phác đồ điều trị, sản xuất kháng thể đơn dòng, robot và máy thở phục vụ tình huống, ứng phó với các cấp độ dịch bùng phát, sản xuất vắcxin phòng dịch COVID-19...

Trước làn sóng của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, Bộ Khoa học và Công nghệ tham mưu cho Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ triển khai các giải pháp để tận dụng được các cơ hội và hạn chế thách thức thông qua việc ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ số, nông nghiệp thông minh, du lịch thông minh, đô thị thông minh; thúc đẩy hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; đào tạo nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới.

Bộ Khoa học và Công nghệ đã kịp thời phê duyệt và triển khai Chương trình Khoa học và công nghệ trọng điểm cấp quốc gia giai đoạn đến năm 2025 “Hỗ trợ nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ của công nghiệp 4.0”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục