Các nhà thiên văn học vừa phát hiện một ngoại hành tinh (exoplanet) hiếm hoi, có kích thước nhỏ hơn Trái Đất, quay quanh một trong những ngôi sao gần Mặt Trời nhất.
Mặc dù bề mặt của hành tinh này quá nóng để có thể duy trì sự sống, nhưng khám phá nói trên vẫn mang lại nhiều thông tin thú vị về vũ trụ xung quanh chúng ta.
Theo các quan sát được thực hiện trong suốt 5 năm với Kính viễn vọng Rất Lớn (Very Large Telescope) đặt ở sa mạc Chile, ngoại hành tinh nói trên quay quanh ngôi sao lùn đỏ Barnard, nằm cách Trái Đất chỉ khoảng 6 năm ánh sáng.
Barnard hiện là một trong những mục tiêu ưu tiên của các chuyên gia săn tìm ngoại hành tinh do ngôi sao này tương đối gần và dễ quan sát.
Các nhà khoa học đang tìm kiếm những hành tinh nằm trong "vùng có thể sinh sống" (Goldilocks zone).
Đây là vùng không gian có nhiệt độ không quá nóng cũng không quá lạnh để nước lỏng - yếu tố quan trọng cho sự sống - có thể tồn tại. Tuy nhiên, hành tinh mới được phát hiện - được đặt tên là "Barnard b" - lại không nằm trong vùng này.
Barnard b nằm rất gần ngôi sao chủ của nó, gần hơn 20 lần so với khoảng cách giữa Sao Thủy và Mặt Trời. Một năm trên Barnard b chỉ dài bằng 3 ngày ở Trái Đất. Tuy nhiên, nhiệt độ trên bề mặt của ngoại hành tinh này lên tới 125 độ C, mức nhiệt độ quá cao để duy trì nước lỏng hay sự sống.
Barnard b được coi là một trong những ngoại hành tinh có khối lượng thấp nhất từng được biết đến và là một trong số ít các hành tinh có khối lượng nhỏ hơn Trái Đất.
Nhà khoa học Jonay Gonzalez Hernandez làm việc tại Viện Vật lý Thiên văn Canarias ở Tây Ban Nha - trưởng nhóm nghiên cứu trên - cho biết: "Mặc dù ngôi sao chủ có nhiệt độ thấp hơn Mặt Trời khoảng 2.500 độ C, nhưng nhiệt độ ở đó vẫn quá cao để duy trì nước lỏng trên bề mặt."
Ngôi sao Barnard nằm trong chòm sao Ophiuchus và là ngôi sao gần Mặt Trời thứ hai sau hệ Alpha Centauri. Với việc Barnard b quay quanh một ngôi sao lùn đỏ – loại sao có nhiệt độ thấp hơn các sao khác – các nhà thiên văn học có thể dễ dàng quan sát những hành tinh này khi chúng đi qua phía trước ngôi sao.
Ngoài Barnard b, nhóm nghiên cứu còn tìm thấy dấu hiệu của 3 ngoại hành tinh khác có thể đang quay quanh Barnard, nhưng cần thêm dữ liệu để xác nhận phát hiện này.
Theo ông Alejandro Suarez Mascareno - thành viên nhóm nghiên cứu trên, việc phát hiện Barnard b, cùng với hai ngoại hành tinh khác được tìm thấy quay quanh ngôi sao gần đó là Proxima Centauri, cho thấy rằng "vùng vũ trụ gần nhà chúng ta (Trái Đất) chứa đầy những hành tinh có khối lượng nhỏ."
Kể từ những năm 1990, hơn 5.700 hành tinh ngoài hệ Mặt Trời đã được phát hiện. Tuy nhiên, rất ít trong số đó nằm trong vùng có thể sinh sống. Dẫu vậy, việc khám phá Barnard b là bước tiến quan trọng trong việc hiểu rõ hơn về các hành tinh nhỏ và những điều kiện tồn tại của chúng trong vũ trụ bao la./.
NASA phát hiện một tiểu hành tinh nhỏ đi vào khí quyển Trái Đất
Một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 1 mét đã đi vào khí quyển Trái Đất lúc 12h40 ngày 4/9 (giờ miền Đông nước Mỹ) và tạo ra một quả cầu lửa ngoài khơi bờ biển phía Đông của Philippines.