Các nhà khảo cổ học tại Peru vừa phát hiện những bằng chứng quan trọng, được cho là chỉ dấu về sự cai trị của nữ giới trong nền văn hóa Moche cổ đại cách đây hơn 1.300 năm tại di chỉ Panamarca, gần bờ biển Thái Bình Dương.
Trong số những dấu tích trên, có một ngai vàng bằng đá và các bức bích họa tinh xảo miêu tả những cảnh tượng độc đáo.
Theo bà Jessica Ortiz - Giám đốc nghiên cứu dự án tại di chỉ khảo cổ Panamarca ở bờ biển Tây Bắc Peru, các bức bích họa cổ đại này "có thể chỉ ra rằng đây là không gian được một phụ nữ sử dụng và đó có thể là người có quyền năng cai trị."
Tại đây, các nhà khảo cổ cũng phát lộ một căn phòng có cột trụ và ngai vàng, xung quanh là những bức tranh tường miêu tả hình ảnh của một người phụ nữ quyền lực, gắn liền với các sinh vật biển và hình ảnh mặt trăng lưỡi liềm.
Người phụ nữ này ngồi trên ngai vàng và tiếp đón các vị khách. Các bằng chứng như sự hiện diện của tóc người và dấu vết mài mòn trên ngai chỉ ra rằng hiện vật này đã được sử dụng thường xuyên.
Nhà khảo cổ Jose Ochatoma phấn khích cho biết: "Điều thú vị nhất là các vết mài mòn. Không có bề mặt nào ở khu vực này là trống trơn. Mọi thứ đều được vẽ và trang trí tỉ mỉ bằng những cảnh tượng và nhân vật thần thoại."
Ông Ochatoma so sánh căn phòng này với Nhà nguyện Sistine của Vatican, nơi trần nhà được danh họa Michelangelo vẽ các hình tượng Kinh Thánh. Ông nhận định: "Đây là một không gian nơi họ ghi lại những cảnh tượng thuộc về hệ tư tưởng Moche."
Các nhà khảo cổ học tin rằng căn phòng có ngai vàng này tồn tại từ niên đại từ thế kỷ 7 sau Công nguyên, thời điểm mà văn hóa Moche chiếm lĩnh các thung lũng ven biển phía Tây Bắc Peru.
Đây là một nền văn minh nổi tiếng với những thành tựu vượt trội về nghệ thuật, kiến trúc và kỹ thuật thủy lợi.
Không xa căn phòng có ngai vàng, các nhà nghiên cứu còn phát hiện một căn phòng khác nhìn ra quảng trường, mà họ gọi là Phòng Rắn Bện vì trên tường có một bức bích họa mô tả một nhân vật có chân xoắn với những con rắn-một họa tiết chưa từng được nhìn thấy trước đó.
Phòng này còn có nhiều bức tranh tường khác miêu tả các chiến binh, vũ khí được nhân hóa và một con quái vật đang đuổi theo một người đàn ông.
Ông Ochatoma chia sẻ: "Chúng tôi đang khám phá về một hệ thống biểu tượng chưa từng thấy trong thế giới của thời kỳ tiền Tây Ban Nha."
Peru là một quốc gia giàu có về các di chỉ khảo cổ, nhiều nơi có niên đại hàng nghìn năm. Nơi đây từng là cái nôi đế chế Inca vĩ đại, một đế chế thống trị vùng cao nguyên Nam Mỹ cho đến khi những người Tây Ban Nha tới chinh phục vùng đất này hồi thế kỷ 16.
Theo các nhà nghiên cứu, phát hiện mới trên không chỉ mang đến cái nhìn sâu sắc hơn về lịch sử của nền văn hóa Moche, mà còn mở ra những hướng đi mới trong việc nghiên cứu vai trò của phụ nữ trong các xã hội cổ đại./.