Bộ Lao động hướng dẫn hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các nơi giãn cách

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương chủ động thực hiện hỗ trợ tiền ăn theo Nghị quyết số 68/NQ-CP và hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.
Hỗ trợ người dân tại các khu trọ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Thanh Vũ/TTXVN)
Hỗ trợ người dân tại các khu trọ có hoàn cảnh khó khăn. (Ảnh minh hoạ: Thanh Vũ/TTXVN)

Hiện nay, cả nước có 23/63 tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách  giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg. Tình hình dịch bệnh vẫn đang diễn biến phức tạp, đã và đang tác động đến đời sống của người dân, nhất là người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, người thu nhập thấp, người lao động ngoại tỉnh sinh sống làm việc ở các địa bản thực hiện giãn cách xã hội. Do đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương thực hiện hỗ trợ khẩn cấp cho người dân theo các quy định đã được ban hành.

Hỗ trợ tiền ăn tối thiểu 50.000 đồng/ngày

Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, nhiều người dân, người lao động bị hoãn hoặc mất việc làm, không có thu nhập nên không có điều kiện bảo đảm nhu cầu cơ bản về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày, đã di chuyển tự phát bằng phương tiện cá nhân ra khỏi Thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương và một số tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để về quê. Việc di chuyển này không an toàn cho người dân, gây khó khăn trong phòng, chống dịch.

Để bảo đảm an sinh xã hội cho người dân và người lao động, nhất là người lao động ngoại tỉnh, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội vừa có công văn gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg về việc thực hiện các biện pháp hỗ trợ khẩn cấp đối với người dân gặp khó khăn do dịch bệnh COVID-19.

Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu các địa phương rà soát, nắm chắc tình hình đời sống người dân, người lao động có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn; thực hiện tốt chính sách hỗ trợ cho các đối tương theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP và Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; giao trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong văn bản đảm an sinh xã hội; không để người dẫn nào thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu các nhu yếu phẩm thiết yếu.

Để kịp thời hỗ trợ, các địa phương vận động mặt trận tổ quốc, các hội đoàn thể chính trị-xã hội và nhân dân tổ chức các kênh cung ứng lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm thiết yếu đến tận nơi cho người dân ở các khu vực thực hiện giản cách xã hội.

Bên cạnh đó, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội kiến nghị các địa phương thực hiện miễn giảm tiền điện, tiền nước và vận động chủ cho thuê nhà miễn giảm tiền thục như; thực hiện kịp thời, đầy đủ hỗ trợ khẩn cấp theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội.

[Công bố bộ Hỏi-Đáp về chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/NQ-CP]

Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn Hồi hướng dẫn các địa phương trên cơ sở dự báo diễn biến dịch, chủ động phương án chính sách hỗ trợ tiền ăn (mức tối thiểu 50.000 đồng/người/ngày) theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ và hỗ trợ nhu yếu phẩm thiết yếu theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP ngày 15/3/2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bao trợ xã hội.

Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đã quy định việc hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước cho đối tượng có hoàn cảnh khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc lý do bất khả kháng khác mà mất nhà ở và không có khả năng tự bảo đảm các nhu cầu thiết yếu. Những đối tượng này được xem xét hỗ trợ từ nguồn lực huy động hoặc nguồn dự trữ quốc gia: Lều bạt, nước uống, thực phẩm, chăn màn, xoong nồi, chất đốt, xuồng máy và một số mặt hàng thiết yếu khác phục vụ nhu cầu trước mắt, tại chỗ.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Hồi, việc hỗ trợ tiền ăn và nhu yếu phẩm thiết yếu cần ưu tiên đối với nhóm hộ nghèo, người lao động bị giảm sâu về thu nhập, hộ gia đình kinh doanh buôn bán dịch vụ nhỏ, lẻ phải tạm dừng kinh doanh do thực hiện giãn cách xã hội.

Đổi với những trường hợp bất khả kháng, người dân phải di chuyển về quê, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội yêu cầu cơ quan, đoàn thể nơi cư trú phối hợp với chính quyền địa phương nơi quê nhà hỗ trợ hỗ trợ thức ăn, nước uống và tổ chức phương tiện đưa người dân về quê, không để tình trạng di chuyển tự phát (xe máy, xe đạp, đi bộ...); tổ chức cách ly, bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.

Hỗ trợ khẩn cấp cho những người lang thang

Tối 15/8, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phía Nam đã trực tiếp khảo sát nhu cầu và tặng quà của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cho những lao động tự do và người vô gia cư trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Những phần quà thiết thực qua "túi an sinh" của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gồm những hộp sữa, những chiếc bánh chưng, những chai nước suối, khẩu trang và kèm theo những phong bì tiền hỗ trợ.

Bộ Lao động hướng dẫn hỗ trợ khẩn cấp cho người dân các nơi giãn cách ảnh 1Trao phần quà "túi an sinh" của bộ Lao động-Thương binh và Xã hội gồm sữa, bánh chưng, nước, khẩu trang và tiền hỗ trợ cho người dân. (Ảnh: Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội)

Ông Phạm Anh Thắng, Trưởng Đại diện Văn phòng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại Thành phố Hồ Chí Minh, Thường trực Tổ Công tác đặc biệt của Bộ tại phía Nam cùng các thành viên của tổ công tác đã trực tiếp khảo sát, lăng nghe người dân, người lao động chia sẻ về nhưng khó khăn do đại dịch COVID-19.

Tại buổi khảo sát, sau khi lắng nghe những chia sẻ của lao động thất nghiệp vì dịch COVID-19, ông Phạm Anh Thắng đã thăm hỏi sức khoẻ, động viên những lao động thất nghiệp nên quay trở lại nơi đã từng tạm trú để liên hệ chính quyền đăng ký nhận tiền hỗ trợ của Chính phủ.

Ông Phạm Anh Thắng cho biết tổ công tác rất quan tâm đến các trẻ em lang thang cơ nhỡ và người già. Trước thực tế còn nhiều phụ nữ, người già và trẻ em lang thang cơ nhỡ gặp khó khăn vì dịch bệnh COVID-19, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phía Nam mong muốn các cấp chính quyền địa phương có giải pháp quan tâm để tiếp nhận khẩn cấp và áp dụng hỗ trợ đột xuất đối với những trường hợp này để họ có nơi tá túc, đảm bảo sinh hoạt, cuộc sống tối thiểu trong giai đoạn giản cách xã hội, phòng chống dịch.

Sau buổi khảo sát thực tế lắng nghe ý kiến người dân, Tổ Công tác đặc biệt của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tại phía Nam sẽ có những đề xuất, kiến nghị với lãnh đạo Uỷ ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh để tìm ra giải pháp hỗ trợ kịp thời cho những lao động thất nghiệp và những người vô gia cư…để không người dân nào trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh phải thiếu ăn, thiếu mặc vì dịch COVID-19./.

Đến nay, cả nước có 23 tỉnh, thành phố đang thự hiện chỉ thị 16 gồm 19 tỉnh thành phần phía Nam: Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa-Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang và 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Đà Nẵng, Phú Yên, Khánh Hòa.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục