Bổ sung và sửa đổi Hiến pháp là việc làm tất yếu

Theo Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh, việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp là việc làm tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tế trước mắt cũng như lâu dài.
Ngày 3/4, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh tổ chức Hội thảo đóng góp ý kiến Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 với sự tham gia của các cơ quan, đơn vị trong lĩnh vực nội chính, xây dựng Đảng và các ban, ngành của tỉnh.

Tại hội thảo, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Bắc Ninh Trần Văn Túy khẳng định rằng để chủ động hội nhập sâu rộng và toàn diện vào đời sống chính trị, kinh tế thế giới, việc bổ sung, sửa đổi Hiến pháp là việc làm tất yếu, đáp ứng yêu cầu thực tế trước mắt cũng như lâu dài. Tới nay, sau hơn 2 tháng triển khai việc lấy ý kiến đóng góp Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, tỉnh Bắc Ninh đã có trên 71.500 ý kiến đóng góp.

Nhìn chung các ý kiến đều cơ bản đồng tình với Dự thảo, khẳng định Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 đã kế thừa những giá trị khoa học và kỹ thuật lập hiến trong các bản Hiến pháp trước đây. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 cũng đã thể chế hóa kịp thời cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Tại hội thảo, các đại biểu đã làm rõ và sâu sắc thêm 10 nội dung được đông đảo các tầng lớp nhân dân quan tâm tham gia đóng góp ý kiến. Nhiều đại biểu tập trung phân tích và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam là hết sức cần thiết và cần phải được quy định trong Hiến pháp. Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cũng cần có sự phân công rành mạch giữa các cơ quan Nhà nước, tránh tình trạng vừa tham gia lập pháp vừa trực tiếp thi hành pháp luật.

Ngoài những vấn đề nêu trên, một số ý kiến của các đại biểu cũng đề cập tới các điều khoản liên quan tới chế định về quyền công dân, quyền con người…

Những ý kiến đóng góp tại hội thảo sẽ được Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp tục tổng hợp, có ý kiến tại kỳ họp Quốc hội tới./.

Thái Hùng (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục