Ngày 6/3, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Jacob Lew đã hối thúc Quốc hội nhanh chóng nâng trần nợ quốc gia trước thời điểm chính phủ mất quyền vay mượn vào ngày 15/3 tới.
Trong thư gửi Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, Bộ trưởng Tài chính Jacob Lew cho rằng Quốc hội cần phải hành động "càng sớm càng tốt" để tránh khả năng nước Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ.
Quan chức này nhấn mạnh nếu quốc hội không nâng mức trần nợ trước ngày 16/3, Bộ Tài chính sẽ phải thực hiện những "biện pháp đặc biệt" để đảm bảo duy trì hoạt động của chính phủ. Một trong những biện pháp mà ông Lew đưa ra là ngừng phát hành trái phiếu chính phủ và trái phiếu chính quyền địa phương từ ngày 13/3 tới.
Hồi tháng 2/2014, Tổng thống Barack Obama đã ký dự luật nâng trần nợ đến hết ngày 15/3/2015, tránh cho nước này rơi vào tình trạng vỡ nợ và đẩy thị trường tài chính Washington cũng như toàn cầu vào một cú sốc. Sau ngày 15/3, nợ tồn đọng của chính phủ Mỹ sẽ ở mức giới hạn do chính phủ quy định.
Theo giới phân tích, nếu Quốc hội Mỹ không nâng trần nợ công trước ngày 16/3, Bộ Tài chính Mỹ sẽ không có khả năng vay mượn kể từ ngày này.
Trước đó, Văn phòng ngân sách quốc hội Mỹ (CBO) cho rằng các biện pháp bổ sung của Bộ Tài chính Mỹ có thể sẽ không có tác dụng và bộ này sẽ hết tiền mặt vào tháng 10 hoặc tháng 11 tới.
Mức trần nợ là tổng số tiền mà Quốc hội cho phép chính phủ liên bang vay mượn để chi trả các khoản tiền an sinh xã hội, trợ cấp y tế, trả lương cho quân nhân, hoàn thuế và các khoản chi trả khác.
Vì vậy, việc Quốc hội không nâng trần nợ có thể sẽ đẩy chính phủ vào cảnh vỡ nợ vì không còn tiền mặt hoạt động, dẫn đến tình trạng rối loạn tài chính, thậm chí rơi vào vòng suy thoái kinh tế mới. Số nợ hiện nay của Chính phủ Mỹ đang ở mức 18.100 tỷ USD./.