Bộ trưởng Bộ Tài Chính Hồ Đức Phớc cho biết sẽ triển khai các giải pháp để thúc đẩy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công tại 6 tỉnh, bao gồm Quảng Bình, Quảng Trị, An Giang, Đồng Tháp, Bạc Liêu và Cà Mau.
Phát biểu tại cuộc họp Tổ công tác số 5 (do Bộ trưởng Bộ Tài chính làm trưởng đoàn) về kiểm tra, tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, ngày 10/12, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu các địa phương rà soát tiến độ thực hiện dự án và điều chuyển kế hoạch vốn đầu tư từ các dự án không có khả năng giải ngân sang dự án có tiến độ thực hiện tốt, có khả năng hấp thụ vốn đầu tư theo đúng tinh thần chỉ đạo của Quốc hội tại Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2022.
Bên cạnh đó, các địa phương thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường chỉ đạo phối hợp giữa các sở, ngành, kho bạc nhà nước, lãnh đạo các quận, huyện và các chủ đầu tư để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công và giải ngân đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án và thực hiện giải quyết các khó khăn vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư xây dựng.
[Quyết tâm giải ngân vốn đầu tư công đạt mức cao nhất trong năm nay]
Mặt khác, các địa phương cần có kế hoạch ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ chuyên gia, kỹ sư, công nhân và người lao động tại các công trình cũng như có chính sách tạo điều kiện để cho người lao động trở lại làm việc. Và, địa phương nên có chính sách hỗ trợ, giám sát chủ đầu tư các dự án triển khai thực hiện dự án đúng quy định, đúng tiến độ và đảm bảo công tác phòng, chống dịch COVID-19.
Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, do đặc thù kế hoạch đầu tư công đây là năm đầu tiên phải chờ giao kế hoạch trung hạn nên các dự án khởi công mới giao muộn. Ngoài ra, đại dịch COVID-19 cũng đã tác động tiêu cực lên mọi mặt của đời sống, kinh tế-xã hội khiến tốc độ giải ngân vốn đầu tư công tại các địa phương bị chậm.
Theo báo cáo của Kho bạc Nhà nước, đến ngày 30/11, số giải ngân vốn của các địa phương trên là 11.700 tỷ đồng (đạt 49% kế hoạch) và từng địa phương đều thấp hơn bình quân 65% của cả nước.
Trên bình diện cả nước, giải ngân vốn ngân sách nhà nước trong 11 tháng năm 2021 là gần 294.600 tỷ đồng, mới đạt 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; trong đó vốn trong nước đạt 69%, vốn nước ngoài đạt 22%.
Do đó, người đứng đầu Bộ Tài chính nhấn mạnh các địa phương cần đề cao kỷ luật, kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát. Theo đó, địa phương xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, nhà thầu cố tình gây khó khăn, cản trở làm chậm tiến độ giao vốn, giải ngân vốn đồng thời kiểm điểm, xử lý kịp thời các cán bộ yếu kém, tiêu cực, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.
“Lãnh đạo các địa phương được phân công phụ trách theo dõi về các dự án đầu tư, các cán bộ, công chức liên quan chịu trách nhiệm về kết quả giải ngân của đơn vị và là căn cứ để đánh giá kết quả mức độ hoàn thành công việc trong năm 2021,” Bộ trưởng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Bộ trưởng cho rằng các địa phương trên tiếp tục rà soát các cơ chế, chính sách, quy định pháp luật liên quan đến quy trình, thủ tục đầu tư công để kịp thời sửa đổi, bổ sung theo thẩm quyền hoặc báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định.
Tại cuộc họp, lãnh đạo các địa phương cũng kiến nghị một số giải pháp như kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn ngân sách Trung ương kế hoạch năm 2021 sang năm 2022 đồng thời điều chỉnh giảm kế hoạch vốn ngoài nước ODA năm 2021; cho phép sử dụng vốn ODA để thanh toán thuế cho dự án môi trường bền vững; cho phép địa phương được bố trí vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 từ nguồn ngân sách Trung ương theo giá trị giải ngân thực tế của từng dự án...
Tiếp thu các kiến nghị từ các địa phương, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến trả lời và giải đáp cho các địa phương. Đối với những kiến nghị liên quan đến vướng mắc về cơ chế, tổ công tác sẽ tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định./.