Bộ trưởng Bộ Công Thương: Tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án điện khí LNG

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu một số địa phương chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư, phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện khí LNG theo đúng quy định của pháp luật

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc về các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG ngày 24/5, tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chủ trì buổi làm việc về các dự án điện sử dụng khí thiên nhiên và LNG ngày 24/5, tại Hà Nội. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Tại buổi làm việc với các địa phương và chủ đầu tư về các dự án nhiệt điện sử dụng khí thiên nhiên khai thác trong nước và khí LNG do Bộ Công Thương tổ chức chiều nay (24/5), Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đã yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ các dự án, nhằm đảm bảo cung ứng điện cho các năm tới cũng như đảm bảo an ninh năng lượng Quốc gia.

Nhiều địa phương còn chậm tiến độ

Thông tin tại cuộc họp, ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết cùng với đơn vị tư vấn tỉnh đã thông qua hồ sơ đấu thầu, tuy nhiên còn một số nội dung vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, đầu tháng 6/2024 tỉnh sẽ phát hành hồ sơ đấu thầu, ngoài ra tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo nhằm đạt được tiến độ đề ra. Hiện có 6 nhà thầu liên danh quan tâm dự án đang gửi hồ sơ đấu thầu.

Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng có dự án LNG Nghi Sơn với công suất 1.500 MW. Thông tin việc triển khai dự án, ông Nguyễn Văn Thi, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Thanh Hóa thông tin, Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp đã tiếp nhận hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Nhà máy nhiệt điện LNG Nghi Sơn của 5 nhà đầu tư.

"Việc lựa chọn nhà đầu tư cần tuân thủ theo quy định của pháp luật. Tỉnh Thanh Hóa cam kết sẽ hoàn thành trong tháng 9 và khởi công sau khi các thủ tục pháp lý được hoàn thành," ông Nguyễn Văn Thi cam kết.

Với tỉnh Quảng Trị, dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 với 1.500 MW, đến nay dự án đã hoàn thành việc phê duyệt 5 thỏa thuận chuyên ngành, gồm: Thỏa thuận cung cấp nước sạch, thỏa thuận cấp điện thi công, văn bản xác nhận khả năng nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, văn bản giới thiệu vị trí bãi đổ phế thải vật liệu xây dựng và văn bản chấp thuận vị trí...

nha-may-dien--n1.jpg
Thi công tại nhà máy điện Nhơn Trạch 3. (Ảnh: PV Power)

Tuy nhiên vẫn còn một số thỏa thuận chuyên ngành chưa được phê duyệt. Nguyên nhân đến từ quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển, bến cảng, cầu cảng, phao tín hiệu, khu nước, vùng nước thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 chưa phê duyệt; hay một số vướng mắc trong việc ký kết thỏa thuận phương án đấu nối... cũng như việc điều chỉnh quy hoạch phân khu đang tiến hành.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ dự án, ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Trị kiến nghị các cơ quan chức năng hỗ trợ, giải quyết các vướng mắc như: Thỏa thuận đấu nối dự án LNG Hải Lăng giai đoạn 1 vào hệ thống điện quốc gia; hợp đồng mua bán điện hay việc chuyển ngang giá LNG sang giá điện và hợp động mua nhiên liệu LNG...

Tập trung tháo gỡ các vướng mắc

Theo kế hoạch, đến năm 2030 cả nước sẽ có 21 dự án điện khí nằm trên địa bàn 15 tỉnh, thành phố, với khoảng 34.000 MW công suất phải đi vào vận hành, phát điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định, EVN rất quan tâm đến tiến độ của các nhà máy điện khí, phía tập đoàn đang nỗ lực đẩy mạnh tiến độ triển khai thực hiện các dự án đường dây truyền tải do EVN làm chủ đầu tư, bảo đảm đồng bộ với tiến độ các dự án nguồn điện để kịp thời giải tỏa công suất cho các nhà máy điện.

Đại diện EVN cho rằng song song với các dự án đường dây truyền tải, các chủ đầu tư nhà máy nhiệt điện khí cũng phải cam kết hoàn thành đúng tiến độ đưa các nhà máy vào hoạt động như mục tiêu đề ra.

d8a748caeeb24eec17a3.jpg
Tổng Giám đốc EVN Nguyễn Anh Tuấn làm rõ các nội dung liên quan đến triển khai các dự án truyền tải. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Vừa là chủ đầu tư các dự án điện vừa là chủ đầu tư các dự án khí, ông Nguyễn Trừng Giang, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) cho biết PVN đang tích cực, đẩy nhanh các buổi làm việc với địa phương, để xây dựng trung tâm khí tại Vũng Áng (Quảng Bình) nhằm cung cấp nguồn khí cho các địa phương lân cận, từ đó tạo thuận lợi cho quá trình triển khai các dự án cũng như đảm bảo đủ nguồn năng lượng phục vụ cho sản xuất.

Qua báo cáo của các địa phương, chủ đầu tư và các đơn vị liên quan cho thấy tiến độ của các địa phương rất chậm (trừ dự án nhà máy điện Nhơn Trạch 3,4 dự kiến sẽ phát điện vào cuối năm nay và đầu năm 2025) thì nhiều dự án còn chưa lựa chọn được chủ đầu tư, ảnh hưởng đến an ninh năng lượng quốc gia và có thể vỡ quy hoạch điện đến 2030 tầm nhìn 2050.

Vì vậy, để đảm bảo tiến độ các dự án theo Quy hoạch đã được duyệt, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên yêu cầu một số địa phương chưa tiến hành lựa chọn được nhà đầu tư, phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật, theo đúng tinh thần thông báo 94/TB-BCĐ ngày 12/4/2024 của Ban chỉ đạo Quốc gia và cơ quan thường trực là Bộ Công Thương.

Bộ trưởng cũng đề nghị các địa phương trên yêu cầu nhà đầu tư ngay sau khi được lựa chọn phải gấp rút triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo quy định để trình phê duyệt FS (báo cáo phân tích chi tiết tất cả các khía cạnh quan trọng của một dự án được đề xuất để xác định khả năng thành công của dự án) và triển khai các bước tiếp theo, để bảo đảm trước năm 2029 cả 3 dự án này đều phải được phát điện thương mại, cung cấp điện cho Quốc gia…

“Trong thẩm quyền, Bộ Công Thương sẽ nỗ lực giải quyết vướng mắc, đồng thời kiến nghị Chính phủ, bộ, ngành xem xét tháo gỡ khó khăn, với quyết tâm cao nhất là đảm bảo tiến độ các dự án,” Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục