Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu các bệnh viện tuyến cuối đang quá tải phải chuyển bớt bệnh nhi nhẹ về các bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến quận huyện để tiếp tục điều trị, "không thể để trẻ phải tiếp tục nằm gầm giường, nằm ngoài hành lang."
Tại Hội nghị tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng và viêm đường hô hấp tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh chiều 16/10, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho rặng tình trạng quá tải ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh và tăng khả năng lây nhiễm chéo, kháng kháng sinh cho bệnh nhi.
Thực chất, một số cháu mắc bệnh nhẹ nhưng gia đình vẫn đưa lên bệnh viện tuyến cuối để điều trị chỉ vì... không tin tưởng bệnh viện địa phương. Trong khi đó, các bệnh viện này đều có phác đồ chẩn đoán và điều trị bệnh sốt xuất huyết, tay chân miệng.
Với số ca mắc bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng có chiều hướng gia tăng tại nhiều địa phương, tình trạng quá tải nghiêm trọng đang xảy ra tại các bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến cuối như Nhi đồng 1, Nhi đồng 2 (Thành phố Hồ Chí Minh), Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương...
Về mặt lâu dài, bà Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết sẽ tăng cường đề án Bệnh viện vệ tinh. Các bệnh viện vệ tinh sẽ được chuyển giao thêm kỹ thuật điều trị các bệnh nội tiết-truyền nhiễm-hô hấp. Bên cạnh đó, các bệnh viện địa phương phải nâng cao năng lực điều trị bệnh để người dân tin tưởng, tự giác đưa trẻ đến điều trị, giảm bớt quá tải cho bệnh viện truyến trên.
Về công tác phòng bệnh, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu ngoài các biện pháp phun xịt muỗi, vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng thì cần tuyên truyền cho người dân phòng sốt xuất huyết. Cần có chiến dịch loại bỏ vật phế thải trong nhà dân, khu dân cư, công cộng để không còn chỗ sinh sôi, trú ẩn cho muỗi.
Thông tin về tình hình dịch bệnh hiện nay, ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cho biết, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 46.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 54 tỉnh thành, trong đó có 30 trường hợp tử vong, tập trung tại một số tỉnh thành khu vực phía Nam và miền Trung. Trong đó, Thành phố Hồ Chí Minh là địa phương có số ca mắc cao nhất cả nước, với hơn 10.000 trường hợp; tiếp đó là Đồng Nai, với hơn 6.000 ca, Bình Dương với hơn 3.600 ca...
Tuy nhiên, theo ông Trần Đắc Phu, sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng so với năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn nhiều số mắc cùng kỳ của tất cả các năm trong giai đoạn 2009-2013.
Về bệnh tay chân miệng, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 36.778 trường hợp mắc tại 62 tỉnh thành, trong đó có 5 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm 2014, số ca mắc giảm 37,5%, tử vong tương đương. Các số ca mắc tăng cao tập trung tại một số tỉnh miền Nam, Đà Nẵng, Khánh Hòa.
Ngoài sốt xuất huyết, tay chân miệng, các bệnh hô hấp khác cũng được ghi nhận nhưng đáng mừng là số ca mắc đều có xu hướng giảm so với cùng kỳ 2014.
Cụ thể, bệnh sốt rét, ghi nhận hơn 2.800 ca (3 trường hợp tử vong, giảm 12,6% so với cùng kì); bệnh dại: ghi nhận 52 trường hợp tử vong (giảm 7 trường hợp so với cùng kì); bệnh viêm não: 764 trường hợp, 21 ca tử vong (giảm 18,2% số ca mắc so với cùng kỳ và 47,5% số ca tử vong so với cùng kỳ)./.