Bộ trưởng Công Thương: 'Đóng góp của giai đoạn 2016-2020 rất nổi trội'

Tong 10 năm qua, cả nước đã về đích và vượt rất nhiều các chỉ tiêu của Chiến lược xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2010-2020, đặc biệt đóng góp của giai đoạn 2016-2020 là rất nổi trội.
Bộ trưởng Công Thương: 'Đóng góp của giai đoạn 2016-2020 rất nổi trội' ảnh 1Tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn 2016-2020 của Việt Nam luôn ở mức rất cao. (Ảnh: TTXVN)

2020 là một năm đặc biệt đối với cả thế giới khi mà đại dịch COVID-19 đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu. Trong muôn vàn khó khăn ấy, Việt Nam tiếp tục khẳng định uy tín và vị thế trên trường quốc tế khi thực hiện thành công “mục tiêu kép”: Vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế.

Đáng chú ý, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả nước tiếp tục vượt ngưỡng 543 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019; thặng dư thương mại đạt mức kỷ lục, vượt 19 tỷ USD đồng thời ghi nhận xuất siêu 5 năm liên tiếp được Bộ trưởng Bộ Công Thương đánh giá là kết quả tích cực và là điểm nhấn trong bức tranh kinh tế của Việt Nam.

Trước thềm năm mới 2021, ông Trần Tuấn Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã có chia sẻ với phóng viên về những nỗ lực của cả hệ thống chính trị để tạo nên thành công trên.

Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt kỷ lục

- Thưa Bộ trưởng, nhìn lại Chiến lược xuất nhập khẩu giai đoạn 5 năm trở lại đây, cho thấy, tăng trưởng xuất khẩu giai đoạn từ năm 2015-2019 chúng ta đạt trung bình 12%/năm, cao hơn mục tiêu 10% do Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII đề ra. Dưới góc độ quản lý Nhà nước về lĩnh vực này, xin Bộ trưởng cho biết cảm xúc của mình về những thành công trong hoạt động xuất nhập khẩu của nhiệm kỳ 2016-2020?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Trước hết tôi cho rằng 2016-2020 là một nhiệm kỳ 5 năm chứng kiến rất nhiều nỗ lực chung của Chính phủ, đặc biệt là vai trò chỉ đạo rất quyết liệt của Thủ tướng, sự vào cuộc và đồng hành chung của tất cả các bộ, ngành và những người đứng đầu các bộ, ngành đó.

[Giữ nhịp tăng trưởng, xuất khẩu vượt 27 tỷ USD ngay tháng đầu năm]

Trong suốt cả nhiệm kỳ 5 năm này có rất nhiều kết quả rất ấn tượng ở nhiều lĩnh vực từ kinh tế, đầu tư, thương mại quốc tế… nhưng về các khía cạnh liên quan đến thương mại quốc tế, đây cũng là một dấu ấn rất rõ nét, rất ấn tượng trong nhiệm kỳ 2016-2020.

Mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển xuất nhập khẩu bền vững giai đoạn 2010-2020 là đến năm 2020, Việt Nam sẽ cân bằng được cán cân thương mại; hay tăng trưởng của cả giai đoạn là khoảng 8-10%...

Nhưng thực tế, trong 10 năm qua, cả nước đã về đích và vượt rất nhiều các chỉ tiêu của Chiến lược này và đặc biệt là đóng góp của giai đoạn 2016-2020 là rất nổi trội.

- Xin Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của các kết quả đạt được của hoạt động xuất nhập khẩu giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh thương mại chung của quốc tế thời gian này? 

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: 2016-2020 là giai đoạn chứng kiến tốc độ tăng trưởng xuất nhập khẩu và tăng trưởng của xuất khẩu nói riêng luôn ở mức rất cao, thậm chí là kỷ lục.

Có những năm tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam tăng từ 20%-22% và là con số đủ sức gây ấn tượng với bất lỳ một nhà kinh tế, chuyên gia và doanh nghiệp nào trên thế giới.

Thực tế, ở một quốc gia có độ mở kinh tế lớn như Việt Nam và giá trị trong xuất khẩu lớn, tổng kim ngạch thương mại 2 chiều ở mức trên 500 tỷ USD là con số vô cùng có ý nghĩa và còn rất có ý nghĩa nữa là bối cảnh của giai đoạn 2016-2020 lại rất phức tạp.

Điểm lại một vài nét cho thấy, những dấu hiệu của chủ nghĩa bảo hộ đã tác động và ảnh hưởng rất mạnh tới dòng chảy của thương mại quốc tế, trong đó có Việt Nam, một nền kinh tế đang phát triển.

Bộ trưởng Công Thương: 'Đóng góp của giai đoạn 2016-2020 rất nổi trội' ảnh 2Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh trao đổi với báo chí. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Với cơ cấu kinh tế hướng về xuất khẩu, xuất nhập khẩu lớn (trên 200%), vì vậy bất kể một tác động nào do xu thế của bảo hộ mậu dịch hay chủ nghĩa đơn phương, các tranh chấp thương mại, thậm chí là chiến tranh thương mại… sẽ đều tác động ngay đến Việt Nam và đây là những điểm khác biệt trong giai đoạn 2016-2020 với giai đoạn trước.

Ngoài ra, giai đoạn 2016-2020 cũng chứng kiến các liên kết của khu vực kinh tế được liên tục hình thành và đóng góp một phần vào việc tiếp tục củng cố hệ thống thương mại đa phương dựa trên luật lệ nhưng đồng thời cũng cho thấy xu thế co cụm và liên kết giữa các nền kinh tế các khu vực thương mại… Như vậy, rõ ràng Việt Nam sẽ rất dễ bị bỏ rơi và ở lại nếu như chúng ta không có một chiến lược cũng như những quyết sách và biện pháp quyết liệt.

Có thể nói kết quả xuất nhập khẩu của giai đoạn 2016-2020 gắn chặt và được đặt trong một nền tảng của chiến lược hội nhập rất chủ động, mang tính toàn diện.

Thâm nhập vào các khu vực kinh tế chiếm tới 60% GDP toàn cầu

-  Xin Bộ trưởng cho biết cụ thể về công tác điều hành của Chính phủ và trực tiếp là Bộ Công Thương thời gian qua, góp phần vào những thành công trên?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Có thể thấy rất rõ những kết quả rất nổi bật của giai đoạn 2016-2020 gắn chặt với vai trò điều hành và sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ.

Đơn cử, trong suốt giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng xuất nhập khẩu luôn luôn ở mức từ 8-10%, thậm chí cao hơn, hay có những giai đoạn rất khó khăn, như 2020 vừa qua đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19, khi mà cả thế giới phần lớn là tăng trưởng âm, có rất ít nước có tốc độ tăng trưởng dương thì Việt Nam vẫn duy trì được mức độ tăng trưởng xuất khẩu ở mức 6,5%.

Tiếp đến, trong giai đoạn 2016-2020 cũng chứng kiến những nỗ lực, sự bật lên của Việt Nam trong tiếp cận và mở cửa các thị trường, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã có được các hiệp định thương mại tự do (FTA), cùng đó là các chủ thể của những khu vực thương mại có quy mô rất lớn của thế giới, từ CPTPP cho đến EVFTA và bây giờ là RCEP.

EVFTA với quy mô GDP chiếm tới 30% tổng GDP toàn thế giới. RCEP cũng tương tự như vậy, tới hơn 30% GDP. Chỉ cộng dồn 2 khu vực này là Việt Nam đã thâm nhập vào được những khu vực kinh tế có giá trị kinh tế chiếm tới 60% tổng GDP toàn cầu; với việc cắt giảm thuế quan sâu, rộng, liên tục, với những cam kết mở cửa thị trường cho sản phẩm hàng hóa, dịch vụ Việt Nam theo hướng minh bạch, công khai và thuận lợi… rõ ràng là điều đó đã mang lại cho chúng ta những cơ hội rất lớn để tiếp cận và mở cửa thị trường.

Chính vì vậy, giai đoạn 2016-2020 Việt Nam đã chứng kiến việc tiếp cận thị trường của sản phẩm hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam rất thuận lợi và có tăng trưởng đột biến.

Nếu như năm 2016, xuất khẩu mới chiếm tỷ trọng khoảng 80,7% GDP nhưng đến 2019 đã đạt 107% GDP và 2020 cũng ở đà con số đó (hơn 100%).

Chính vì vậy, tăng trưởng của xuất khẩu cũng đã bắt đầu có xu hướng tăng trưởng bền vững và mang lại những đóng góp to lớn cho ổn định kinh tế vĩ mô để chúng ta có điều kiện thực hiện chiến lược tái cơ cấu lại nền kinh tế, tiếp tục thực hiện những biện pháp phát triển bền vững cho đất nước và nâng cao chất lượng đời sống của nhân dân.

Nhưng quan trọng nhất là với việc mở cửa thị trường liên tục và sâu rộng như vậy đã tạo điều kiện cho quy mô của nền kinh tế, năng lực sản xuất của các ngành kinh tế trong nước được mở rộng liên tục. Đi cùng với đó là năng lực cạnh tranh của sản phẩm và của nền kinh tế được tiếp tục cải thiện.

Năm 2016, cả nước mới chỉ có khoảng 23-25 sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD/năm, nhưng đến nay đã có 31 sản phẩm có quy mô xuất khẩu trên 1 tỷ USD…

Hay trước kia cơ cấu sản phẩm xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sản phẩm thô, đặc biệt là trong khu vực 1 (tức là nhóm hàng tài nguyên, tài nguyên chế biến thô); kể cả trong nông sản thực phẩm cũng xuất khẩu thô nhiều, nhưng nay đã thay đổi, trong cơ cấu xuất khẩu của 10 mặt hàng-“tốp 10” sản phẩm xuất khẩu.

Theo đó, gần như toàn bộ đều là sản phẩm của các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo (chỉ có duy nhất 1 mặt hàng là thủy sản, nhưng đó cũng là thủy sản chế biến có giá trị gia tăng cao hơn), còn trước kia của chúng ta là gạo, cà phê, cao su… đều là những sản phẩm thô, giá trị gia tăng chưa được đảm bảo.

Điều đó cho thấy, định hướng của chúng ta trong tái cơ cấu xuất nhập khẩu cũng như của các ngành kinh tế đã được đảm bảo và đã đi đúng hướng.

Có được điều đó có nghĩa rằng công tác mở cửa thị trường đã đi trước một bước và đảm bảo được điều này, như vậy Việt Nam mới có điều kiện để phát triển và tiếp tục mở cửa tạo thuận lợi cho các ngành hàng, sản phẩm vươn ra thị trường bên ngoài ở mức mang tính chiến lược và gắn với tính bền vững, có nghĩa là thương hiệu, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, chỉ dẫn địa lý đều đã được quan tâm và từng bước thực hiện…

- Việt Nam liên tục xuất siêu giai đoạn 2016-2020:

- Như Bộ trưởng đã thông tin, Chiến lược xuất nhập khẩu chúng ta đặt ra đến năm 2020 mới cân bằng cán cân thương mại và có xuất siêu, nhưng từ năm 2016 chúng ta đã có xuất siêu và liên tục xuất siêu trong cả giai đoạn 5 năm vừa rồi. Vậy Bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc xuất siêu trong hoạt động xuất nhập khẩu tới tổng thể nền kinh tế của Việt Nam?

Bộ trưởng Trần Tuấn Anh: Như tôi đã nói ở trên, năm 2020 là một năm vô cùng khó khăn của hoạt động thương mại quốc tế, phần lớn các quốc gia đều tăng trưởng âm trong xuất nhập khẩu nhưng Việt Nam là một trong số ít các quốc gia đạt tăng trưởng dương, cùng với xuất siêu lên tới 19,1 tỷ USD.

Nhớ lại những năm trước và trở về giai đoạn trước, Việt Nam triền miên trong nhập siêu và câu chuyện nhập siêu ở mức độ lớn chứa đựng rất nhiều yếu tố rủi ro và những nguy cơ trong ổn định vĩ mô của kinh tế thương mại cũng như các khía cạnh khác trong phát triển của đất nước, nhưng giai đoạn vừa qua Việt Nam đã có liên tục 5 năm trong ổn định cân bằng cán cân thương mại cũng như có được xuất siêu. Việc xuất siêu này có giá trị rất lớn trong đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững của đất nước.

Cũng trong thời gian này, việc khai thác mở cửa các thị trường và tham gia các hiệp định thương mại tự do; trong đó làn sóng đầu tư vào Việt Nam của các doanh nghiệp FDI vào Việt Nam tăng rất nhanh, không chỉ giúp chúng ta nâng cao năng lực sản xuất mà còn cải thiện trình độ công nghệ, nâng cao năng lực cạnh tranh, củng cố xu thế bền vững trong hoạt động xuất nhập khẩu cũng như sản xuất.

Hoạt động này còn giúp cho doanh nghiệp nội có điều kiện tiếp cận và tham gia chung vào chuỗi cung ứng của toàn cầu. Đây là một yếu tố rất cơ bản, bởi vì chỉ khi có điều kiện tiếp cận với các doanh nghiệp khác, doanh nghiệp FDI, tham gia chung vào chuỗi giá trị thì chúng ta mới có cơ để phát triển bền vững cũng như xây dựng các thương hiệu và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Trong giai đoạn 2016-2020 cũng chứng kiến những nỗ lực cải cách chung của Chính phủ trong việc rà soát, cắt giảm các điều kiện đầu tư kinh doanh, đơn giản hóa việc kiểm tra chuyên ngành, trong cải cách và xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp luật trong không chỉ thực thi các hiệp định thương mại tự do mà còn trong cả việc hoàn thiện các nội luật của chúng ta…

Có thể nói chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về một giai đoạn 5 năm phát triển rất mạnh mẽ của Việt Nam riêng ở trong lĩnh vực xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế cũng như hội nhập và chúng ta rất tự hào khi Việt Nam đã là quốc gia đứng hàng thứ 22 trên thế giới nếu xét về kim ngạch xuất khẩu, năng lực xuất khẩu và đứng thứ 26 trong quy mô của thương mại quốc tế hiện nay.

Đó là những nỗ lực không ngừng nghỉ và đã mang đến những giá trị, những kết quả rất ấn tượng của Việt Nam trong giai đoạn này.

- Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục